Để tri ân những đóng góp to lớn của giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật, BGD&ĐT đã ban hành các chế độ phụ cấp nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ
(1) Tính thêm giờ dạy cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Trẻ em khuyết tật là những mầm non cần được chăm sóc, giáo dục đặc biệt để hòa nhập với cộng đồng. Trong hành trình gian nan ấy, vai trò của giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người gieo mầm trí tuệ, bồi đắp tâm hồn và chắp cánh cho những ước mơ của các em.
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo động lực cho giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT có quy định về giờ dạy đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật như sau:
Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày
Theo đó, số giờ dạy theo quy định đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày là đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Còn đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Như vậy, giáo viên mầm non dạy đủ số giờ quy định như trên, cứ trong lớp có 01 trẻ khuyết tật thì giáo viên sẽ được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
(2) Phụ cấp, chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật
Ngoài việc được tính thêm giờ dạy, giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật còn được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 113/2015/NĐ-CP, đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc bao gồm:
(i) Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
(ii) Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
(iii) Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
(iv) Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
Theo đó, mức hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc được quy định tại Điều 8 Nghị định 113/2015/NĐ-CP như sau:
- Nhà giáo được quy định tại mục (i) được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
- Nhà giáo quy định tại mục (ii) được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
- Nhà giáo quy định tại mục (iii) được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp ưu đãi gồm các mức sau đây:
+ 35% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật
+ 40% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật
+ 45% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật
+ 50% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật
+ 55% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật
+ 60% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật
+ 65% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật
- Nhà giáo quy định tại mục (iv) được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và phụ cấp ưu đãi gồm các mức sau đây:
+ 5% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật
+ 10% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật
+ 15% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật;
+ 20% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật
+ Mức 25% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật
+ 30% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật
+ 35% mức lương hiện hưởng: lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật
Lưu ý:
- Nhà giáo quy định tại mục (i) và mục (iii) hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm công việc thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg
- Nhà giáo quy định tại mục (ii) và (iv) hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc đồng thời được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg
- Nhà giáo quy định tại mục (ii) và (iv) hưởng mức phụ cấp được tính theo số giờ giảng dạy người khuyết tật thực tế
- Các khoản tiền phụ cấp được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính, đóng hưởng chế độ BHXH.