Cá nhân cố ý vắng mặt xét xử theo giấy triệu tập hợp lệ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Chủ đề   RSS   
  • #589728 17/08/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2002 lần


    Cá nhân cố ý vắng mặt xét xử theo giấy triệu tập hợp lệ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

    Ngày 15/08/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (dự thảo Pháp lệnh). Nội dung dự thảo lần này ban hành chế tài đối với những hành vi cản trở hoạt động tố tụng được xem là cần thiết. Qua đó, đảm bảo sự tôn nghiêm và quy chuẩn trong hoạt động tố tụng.
     
    xu-phat-nguoi-khong-tham-gia-xet-xu
     
    Theo đó, tại Điều 14 dự thảo Pháp lệnh quy định chi tiết các hành vi làm cản trở hoạt động tố tụng. Trong đó, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập của người tiến tố tụng sẽ được áp dụng theo các mức phạt cho từng hành vi cụ thể như sau:
     
    Đối với người có hành vi vi phạm quy định về lệnh triệu tập của phiên tòa lần đầu thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn - 5 triệu đồng.
     
    Trong thực tế, các trường hợp cố tình không tham gia phiên tòa nhằm mục đích hoãn phiên tòa qua đó kéo dài thời gian tiến hành tố tụng. Điều này làm việc thực hiện giải quyết vụ việc, vụ án gặp nhiều khó khăn.
     
    Cụ thể, người tham gia tố tụng đã được cơ quan, người tiến hành tố tụng triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ án.
     
    Mức phạt này nhằm cảnh cáo người tham gia tố tụng cố ý vi phạm, qua đó nhắc nhở cần tuân thủ các quy định và đảm bảo việc tiến hành tố tụng được diễn ra kịp thời và nhanh chóng.
     
    Tại lần triệu tập hợp lệ thứ hai, người tham gia tố tụng cố ý vắng mặt tiếp mà không phải vì lý do chính đáng hay trở ngại khách quan thì phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng. 
     
    Mức phạt này tương đối cao đối với người tham gia tố tụng đã được cơ quan, người tiến hành tố tụng triệu tập nhưng từ chối tham gia xét xử. Việc tăng mức phạt này nhằm răn đe đối với hành vi tái phạm. Thực trạng này diễn ra không ít trong hoạt động tố tụng, điều này làm gián đoạn thời gian tố tụng dẫn đến ùn ứ việc giải quyết các vấn đề khác.
     
    Bên cạnh 02 mức phạt mà người tham gia tố tụng vi phạm lệnh triệu tập trong điều kiện thông thường thì Pháp lệnh đặc biệt xử lý nghiêm người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án. 
     
    Qua đó bị phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với người có hành vi như trên.
     
    Lưu ý: Tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Pháp lệnh quy định đối với người vi phạm là tổ chức thì gấp 2 lần so với cá nhân.
     
    Hiện hành, tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định việc tiến hành hoạt động động tố tụng trong các trường hợp đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt theo lệnh triệu tập được thực hiện như sau:
     
    Từ chối tham gia lệnh triệu tập phiên tòa lần một
     
    Trong lần triệu tập hợp lệ lần thứ nhất của Tòa án, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa. Trong trường hợp người đó vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
     
    Như vậy, theo quy định trên thông thường người tham gia tố tụng dù có lý do hay vắng mặt không thông báo thì vẫn phải hoãn phiên tòa và triệu tập lại ở lần tiếp theo. Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
     
    Từ chối tham gia lệnh triệu tập phiên tòa lần hai
     
    Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
     
    (1) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
     
    (2) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
     
    (3) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
     
    (4) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật.
     
    (5) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
     
    Như vậy, pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập trong trường hợp người tham gia hoạt động tố tụng lợi dụng việc vắng mặt nhằm gián đoạn kéo dài thời gian tranh tụng mà chưa có quy định xử phạt các hành vi trên. Điều này gây ra nhiều thiệt hại và mất đi sự tôn nghiêm của quy định về tố tụng.
     
    Để hạn chế thực trạng trên thì dự thảo Pháp lệnh đã ban hành một số chế tài nhằm thực thi hoạt động tố tụng được diễn ra nhanh chóng giúp người dân tự ý thức hơn về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng của mình.
     
    1496 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (18/08/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận