Cá nhân cho vay bằng vàng: Tính lãi suất như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #560727 20/10/2020

    hiesutran159
    Top 100
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/10/2020
    Tổng số bài viết (692)
    Số điểm: 11623
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 759 lần


    Cá nhân cho vay bằng vàng: Tính lãi suất như thế nào?

    Lãi suất cho vay vàng

    Lãi suất cho vay vàng - Ảnh minh họa

    Cho vay bằng vàng là một hình thức giao dịch phổ biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều khúc mắc về tính hợp pháp của giao dịch cũng như cách tính lãi suất trong trường hợp có tranh chấp. Bài viết phân tích một số vấn đề về giao dịch cho vay vàng của cá nhân.

    Xác định tính hợp pháp của giao dịch cho vay vàng theo pháp luật hiện hành

    Thứ nhất, giao dịch cho vay là giao dịch dân sự hoàn toàn hợp pháp theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015:

    “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

    Thứ hai, giao dịch cho vay đối với tài sản là vàng hoàn toàn không trái với quy định của pháp luật. Quy định hiện hành về các hành vi bị cấm đối với giao dịch liên quan đến vàng tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:

    “Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

    1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

    2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

    3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

    4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

    5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

    6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

    7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.”

    Từ đó có thể thấy việc cho vay vàng giữa các cá nhân là hoàn toàn hợp pháp.

    Giải quyết vấn đề lãi suất cho vay vàng

    Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 mức lãi suất duy nhất liên quan đến giao dịch cho vay vàng, đó là 7%/năm, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định công bố năm 1992. Mức lãi suất này được áp dụng cho đến năm 2000 khi Thống đốc NHNN hủy bỏ quyết định năm 1992 và cũng không quy định về mức lãi suất cho vay vàng. Do vậy, từ giai đoạn này cho đến nay không còn cơ sở để áp dụng mức lãi suất vay vàng 7%/năm để xử lý tranh chấp.

    Mặt khác theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:

    “Điều 468. Lãi suất

    1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

    Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

    Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

    2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

    Từ căn cứ tính lãi suất trên, nếu tài sản cho vay là tiền, người cho vay có thể áp dụng mức 20%/năm làm căn cứ tính lãi suất. Tuy nhiên vàng lại không phải là tiền và thuộc trường hợp “luật khác có liên quan quy định khác” theo đó phải có quy định của pháp luật thì mới có thể lấy làm căn cứ xác định lãi vay vàng, mà như phân tích trong bài thì hiện tại không có quy định nào điều chỉnh nội dung này.

    Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp Tòa án đã quy giá trị vàng ra thành tiền và áp dụng mức lãi suất trên, tuy nhiên nếu áp dụng theo cách quy đổi trên thì phải căn cứ vào giá vàng tại thời điểm vay hay thời điểm giải quyết tranh chấp? Hơn nữa việc áp dụng pháp luật như vậy là tùy tiện và có phần không hợp lý. Trái lại, nếu không giải quyết phần lãi suất trên khoản vay bằng vàng, lợi ích của bên vay sẽ bị xâm phạm, hơn nữa nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là “Toàn án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.”, như vậy chắc chắn sẽ xảy ra việc không thống nhất trong cách xét xử của các Tòa án.

    Để bảo vệ lợi ích của mình, cách duy nhất mà người cho vay có thể làm là thỏa thuận về phương thức tính lãi suất trong hợp đồng vay ban đầu, ghi rõ mức lãi suất được tính dựa trên giá quy đổi của vàng tại thời điểm nào, như vậy khi phát sinh tranh chấp, cả đương sự lẫn Tòa án đều có căn cứ để giải quyết.

    Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 20/10/2020 03:49:56 CH
     
    8116 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hiesutran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (20/10/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận