Với tình hình giao thông phức tạp như hiện nay, nếu tai nạn xảy ra, việc bồi thường được thực hiện như thế nào?
Ngày nay các phương tiện giao thông cơ giới như xe máy, ô tô, xe tải... là những phương tiện đi lại hữu ích, thân thuộc với cuộc sống của chúng ta.
Vai trò của những phương tiện cơ giới là hết sức quan trọng. Việc phát triển các loại xe đang ngày càng đa dạng. Số lượng người sử dụng xe đang ngày một tăng lên.
Nhưng số vụ tai nạn xảy ra hằng ngày là hồi chuông báo động tình trạng giao thông hiện nay vô cùng phức tạp.
Căn cứ Điều 623 Bộ Luật Dân Sự 2005, các phương tiện cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ.
Cụ thể, "Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định."
Đồng thời, căn cứ Điều 604 Bộ Luật Dân Sự 2005, các căn cứ bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
+ Có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác
+ Có thiệt hại xảy ra
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra.
+ Có lỗi. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Theo đó, khi phương tiện cơ giới gây ra thiệt hại cho chủ thể khác, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Căn cứ khoản 2 Điều 623 Bộ Luật Dân sự 2005, "Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Do đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng như cho thuê xe, cho mượn xe thì người được giao phải chịu trách nhiệm nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra, kể cả khi mình không có lỗi. Trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lưu ý, khoản 4 Điều 623 Bộ Luật Dân Sự 2005 quy định: "Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại."
Quy định này được hiểu như sau: nếu như nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, tức bị trộm, bị người khác sử dụng mà chủ sở hữu không biết... thì người đang chiếm hữu, sử dụng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Ví dụ chủ sở hữu giao xe cho người say xỉn mượn, giao xe cho người không đủ tuổi tham gia giao thông... gây tai nạn thì chủ sở hữu có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Minh Trang
Cập nhật bởi trangfantasi ngày 04/04/2016 03:22:12 CH