Theo đó, hoạt động chủ yếu của các cơ quan Bộ Y tế cho kế hoạch thông tin, truyền thông trong năm 2023 thực hiện như sau:
(1) Tăng cường phối hợp Bộ Y tế với cơ quan báo chí, truyền thông
- Triển khai cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin y tế kịp thời, minh bạch, chính xác định kỳ và đột xuất như: họp báo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại, các hoạt động chuyên môn thường xuyên của ngành y tế, các sự kiện, ngày kỷ niệm, tháng hành động về các lĩnh vực của ngành y tế.
- Phối hợp xây dựng chương trình truyền hình, phát thanh, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tọa đàm, tin, bài ... truyền thông chính sách và hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
- Phối hợp nâng cao năng lực truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cho đội ngũ phóng viên báo chí, các cơ quan báo chí thông qua họp báo, gặp mặt báo chí, tập huấn, hội thảo cung cấp thông tin, mời phóng viên tham gia thực tế các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
(2) Tiếp tục công tác truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định giai đoạn khẩn cấp đại dịch vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, năm 2023 tiếp tục truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
- Chú trọng truyền thông nguy cơ vận động người dân thực hiện khuyến cáo “2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị); chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng đối tượng, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
- Cập nhật, bổ sung các thông tin khoa học về dịch COVID-19 và vắc xin phòng COVID-19 trên Thế giới và Việt Nam; xây dựng bổ sung các thông điệp truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời theo diễn biến dịch thực tế.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch COVID-19, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
(3) Thực hiện các mô hình, hoạt động truyền thông trọng điểm
- Hướng dẫn triển khai các mô hình truyền thông y tế phù hợp trong các bệnh viện Trung ương, bao gồm:
+ Phòng/bộ phận truyền thông - chăm sóc khách hàng; góc/điểm truyền thông, tư vấn khách hàng; mô hình phối hợp và cung cấp thông tin cho báo chí.
+ Trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội của bệnh viện (Fanpage, Youtube, Zalo...).
+ Mô hình truyền thông tương tác trong bệnh viện... để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về chủ trương, chính sách, quy định về công tác y tế, các dịch vụ, kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện, kỹ năng phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, thông tin về các bệnh nhân cần kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng…
+ Khuyến khích phát triển và sử dụng tổng đài tư vấn và chăm sóc khách hàng như một công cụ truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe, tiếp thị dịch vụ y tế... đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
+ Phối hợp truyền thông giáo dục sức khỏe trong hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.
- Các đơn vị đang quản lý và thực hiện các chương trình, đề án, dự án về y tế trong các lĩnh vực: khám, chữa bệnh, phòng chống dịch, bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống tác hại của thuốc lá...; tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình, hoạt động truyền thông (nếu có).
(4) Đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội
Tăng cường truyền thông trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Wikipedia, Tiktok, Lotus...). Tăng cường kết nối các trang mạng xã hội của Bộ Y tế như: Fanpage Sức khỏe Việt Nam, kênh Youtube Bộ Y tế, trang Zalo Bộ Y tế, trang Lotus Bộ Y tế, trang Tiktok Bộ Y tế với các trang mạng xã hội của các đơn vị trực thuộc Bộ, các bệnh viện, đơn vị, địa phương.