Bộ Tài chính: Thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 04 doanh nghiệp có nhiều sai phạm

Chủ đề   RSS   
  • #603776 05/07/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2144)
    Số điểm: 75006
    Cảm ơn: 63
    Được cảm ơn 1599 lần


    Bộ Tài chính: Thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 04 doanh nghiệp có nhiều sai phạm

    Vừa qua, chiều 30/6/2023, Bộ Tài chính có thông tin báo chí về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife.

    Theo đó, từ việc chỉ ra các sai phạm của các doanh nghiệp trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính khẳng định sẽ xem xét, xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo tính răn đe đối với toàn thị trường. 

    Cụ thể, theo kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng. 

    Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

    Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn nhấn mạnh, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

    Bộ Tài chính yêu cầu 04 doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phí phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

    Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm. 

    Kết luận thanh tra xác định Prudential tính phí không chính xác hơn 112.000 hợp đồng bảo hiểm

    Qua thanh tra, cơ quan chức năng xác định công ty áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Từ đó dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam trong năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

    Ngoài ra, công ty ban hành thông báo thực hiện khuyến mại số PD05042021 ngày 29/3/2021 gửi Sở Công Thương Đà Nẵng có nội dung khuyến mại bằng tiền cho khách hàng, chưa đúng quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

    Công ty hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 740 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

    Tham khảo: Xử phạt hành chính hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm

    Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngăn chặn doanh nghiệp, chi nhánh có hành vi ép buộc người khác mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP) như sau: 

    Phạt tiền 80 triệu - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

     - Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

     - Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật. 

    - Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính. 

    - Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật. 

    Ngoài ra, còn đình chỉ hoạt động từ 02 tháng - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm. 

    Lưu ý: Cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½ tổ chức. 

    Như vậy, tổ chức ngân hàng khi thực hiện môi giới hoặc liên kết kinh doanh bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia trên tinh thần tự nguyên. Nghiêm cấm ngân hàng có hành vi lợi dụng chức vụ mà làm khó người dân đến giao dịch để ép mua bảo hiểm, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 02 - 03 tháng.

     
    1582 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (04/08/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận