Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2024 là một trong những nhiệm vụ thuộc công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính đề ra.
Quy định về rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp (Khoản 5 Điều 2 Nghị định 34/2016/NĐ-CP).
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2024 của Bộ tài chính
Nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ tài chính được quy định tại Quyết định 181/QĐ-BTC ngày 26/01/2024 như sau:
1. Rà soát, công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có thời điểm hết hiệu lực, ngưng hiệu lực trong năm 2024 (tính từ ngày 01/01/2024 - 31/12/2024);
2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi luật, nghị quyết, pháp lệnh:
3. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền
- Rà soát theo yêu cầu, đề nghị, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương.
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong năm 2021, năm 2022, năm 2023 (Chi tiết tại các Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch).
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giá mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với các quy định của Luật Giá 2023 tại khoản 2 mục II Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá 2023 ban hành kèm theo Quyết định 1250/QĐ-TTg ngày 26/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chính sách tiền lương theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
4. Rà soát, xử lý hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật không còn áp dụng trên thực tế nhưng chưa có văn bản xác định hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
- Rà soát, xử lý hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành không còn áp dụng trên thực tế nhưng chưa có văn bản xác định hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
- Rà soát, xử lý hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành không còn áp dụng trên thực tế nhưng chưa có văn bản xác định hết hiệu lực
5. Báo cáo kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành hoặc do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành được rà soát trong năm 2023 mà có phát hiện ra mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
6. Đăng tải Quyết định công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực trên cổng thông tin điện tử
Trên đây là công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ tài chính nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ và một phần hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.