Bổ sung thêm 06 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Chủ đề   RSS   
  • #610332 05/04/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (362)
    Số điểm: 6646
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 137 lần


    Bổ sung thêm 06 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

    Nội dung trên thuộc một trong những đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Hiện đang được TAND Tối cao lấy ý kiến đóng góp. Cụ thể như sau.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/05/du-thao-nghi-quyet-huong-dan-dieu-51-52.pdf Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự (Lần 01)

    (1) Đề xuất bổ sung thêm 06 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

    Tại Khoản 2 Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

    “2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”

    Theo đó, Điều 22 Dự thảo Nghị quyết nêu rõ những tình tiết khác ở quy định trên bao gồm 06 trường hợp như sau:

    - Thiệt hại do lỗi của người thứ ba.

    - Phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản.

    - Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

    - Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có Huân, huy chương.

    - Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của UBND cấp xã, cấp huyện, công ty, xí nghiệp tặng giấy khen.

    - Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

    Từ nội dung nêu trên, có thể thấy, TAND Tối cao đã đề xuất thêm 06 tình tiết hoàn toàn mới không có trong Bộ Luật Hình sự 2015.

    Chỉ riêng đối với tình tiết bị cáo có bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng hoặc bố mẹ của bị cáo được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác. Nội dung này được kế thừa lại từ Mục 2 Công văn 148/2002/KHXX ngày 30/09/2002 của TAND Tối cao.

    Tại đây, Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra ví dụ để hướng dẫn áp dụng tình tiết này như sau:

    Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử Tòa án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015, nhưng phải được ghi rõ trong bản án.

    (2) Cách xác định tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả

    Cụ thể, theo Dự thảo Nghị quyết tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 được xác định như sau:

    - Bị cáo chưa thành niên có tài sản riêng hoặc cha, mẹ của bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

    - Trường hợp bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp từ chối nhận tiền, tài sản sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của bị cáo hoặc của cha mẹ bị cáo chưa thành niên thì vẫn có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

    - Bị cáo hoặc cha mẹ của bị cáo chưa thành niên có chứng cứ chứng minh được họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu.

    - Bị cáo không có tài sản nhưng đã tích cực tác động, đề nghị nhân thân hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

    - Mặc dù không có trách nhiệm (Ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng bị cáo đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị nhân thân hoặc người khác thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

    (3) Cách xác định tình tiết người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng

    Theo Dự thảo Nghị quyết, cách xác định đối với tình tiết “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng” như sau:

    - Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng: Là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không thể tự kiểm soát hoặc không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà luôn phải có người theo dõi, chăm sóc.

    - Đối với người khuyết tật nặng: Là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, chăm sóc.

    Tại đây, Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ trường hợp không còn khả năng phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được coi như người khuyết tật đặc biệt nặng. 

    Còn trường hợp vẫn có thể tự phục vụ khi có người hoặc phương tiện khác hỗ trợ một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80% thì được xem như người khuyết tật nặng. Đây là nội dung được kế thừa từ Điểm a và b Khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/05/du-thao-nghi-quyet-huong-dan-dieu-51-52.pdf Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự (Lần 01)

     
    77 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận