Khi bố bạn mất không để lại di chúc nên số di sản này sẽ được chia thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Vì bố đã mất nên bạn và hai người con riêng của bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, cho nên, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất lúc này sẽ là bạn và 2 người con riêng kia.
Đối với các tài sản có được do thừa kế và phải đăng ký sở hữu như nhà, đất thì người thừa kế không nghiễm nhiên được công nhận là chủ sử dụng, chủ sở hữu. Để được pháp luật công nhận bạn phải thực hiện các thủ tục thừa kế.
Thứ nhất, cần làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại phòng công chứng
Hồ sơ gồm:
- Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế (bản sao)
- CMND/ hộ chiếu, hộ khẩu của những người sau: người chết và của mình (bản sao)
- Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền (trong trường hợp xác lập giao dịch thông qua người đại diện)
- Giấy chứng tử của người chết (bản sao)
- Di chúc (bản sao) nếu có để lại di chúc
- Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người thừa kế và người chết…
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế (giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, giấy phép mua bán, hợp thức hóa nhà do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp , sổ tiết kiệm, cổ phiếu, giấy chứng nhận cổ phần…).
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng 2014.
Thứ hai, làm thủ tục sang tên GCN QSDĐ đất với người thừa kế
Người thừa kế đến Văn phòng đăng ký QSDĐ thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất tiến hành làm thủ tục, hồ sơ gồm:
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng (nếu có).
- Văn bản khai nhận di sản có công chứng.
- Giấy chứng nhận QSDĐ.
- Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký QSDĐ thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nếu có), các bên nhận giấy chứng nhận QSDĐ tại nơi đã nộp hồ sơ
Nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này gồm có:
- Lệ phí trước bạ: Bằng 0,5% giá trị QSDĐ cụ thể Tiền lệ phí phải nộp = (Diện tích đất) x (Giá đất) x 0,5%
- Thuế thu nhập cá nhân: là 2% theo chuyển nhượng bất động sản.
- Lệ phí địa chính: Căn cứ vào từng quyết định của địa phương
- Lệ phí thẩm định: Căn cứ pháp lý tùy thuộc vào từng địa phương
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.