Ngày 07/4/2023 Bộ LĐTBXH đã có Thông báo 1229/TB-LĐTBXH 2023 về tình hình tai nạn lao động năm 2022 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động năm 2023.
Theo đó, Bộ LĐTBXH cập nhật các báo cáo về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm vừa qua với số lượng người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2022 vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.
(1) Tình hình TNLĐ trong năm 2022
Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 1, năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ (tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021) làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021), trong đó:
- Số vụ TNLĐ chết người: 720 vụ, giảm 29 vụ tương ứng 3,87% so với năm 2021.
- Số người chết vì TNLĐ: 754 người, giảm 32 người tương ứng 4,07% so với năm 2021.
- Số người bị thương nặng: 1.647 người, tăng 162 người tương ứng với 10,9% so với năm 2021.
(2) Tình hình TNLĐ chết người theo loại hình cơ sở sản xuất
- Loại hình công ty cổ phần chiếm 38,25% số vụ tai nạn chết người và 38,95% số người chết.
- Loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 32,35% số vụ tai nạn chết người và 32,61% số người chết.
- Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 14,21% số vụ tai nạn chết người và 14.09% số người chết.
- Loại hình doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 5,74% số vụ tai nạn và 5,22% số người chết.
(3) Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người
- Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 12,72% tổng số vụ và 12,82% tổng số người chết.
- Lĩnh vực xây dựng chiếm 12,23% tổng số vụ tai nạn và 12,76% tổng số người chết.
- Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,11% tổng số vụ tai nạn và 10,11% tổng số người chết.
- Lĩnh vực dệt may, da giầy chiếm 7,08% tổng số vụ và 6,84% tổng số người chết.
- Lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,29% tổng số vụ và 6,44% tổng số người chết.
(4) Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất
- Tai nạn giao thông chiếm 32,74% tổng số vụ và 32,4% tổng số người chết;
- Ngã từ trên cao, rơi chiếm 21,9% tổng số vụ và 21,51% tổng số người chết;
- Đổ sập chiếm 11,02% tổng số vụ và 11,71% tổng số người chết;
- Điện giật chiếm 10,23% tổng số vụ và 9,9% tổng số người chết;
- Vật văng bắn, va đập chiếm 9,05% tổng số vụ và 8,7% tổng số người chết.
(5) Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người
* Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 39,28% tổng số vụ và 40,22% tổng số người chết, cụ thể:
- Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 20,35% tổng số vụ và 20,64% tổng số người chết.
- Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 9,14% tổng số vụ và 9,48% tổng số người chết.
- Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 3,92% tổng số vụ và 3,77% tổng số người chết.
- Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 3,1% tổng số vụ và 2,99% tổng số người chết.
- Người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm chiếm 2,77% tổng số vụ và 3,34 tổng số người chết.
* Nguyên nhân do người lao động chiếm 18,73% tổng số số vụ và 18,53% tổng số người chết, cụ thể:
- Người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 10,58% tổng số số vụ và 10,47% tổng số người chết.
- Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị chiếm 8,15% tổng số số vụ và 8,06% tổng số người chết.
* Còn lại 41,99% tổng số vụ tai nạn lao động với 41,25% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác gây ra, khách quan khó tránh.