Quản lý dân cư bằng hộ khẩu không chỉ là phương thức quản lý lạc hậu (hiện tại chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên áp dụng) mà còn cản trở quyền tự do cư trú của công dân.
Điều 23 Hiến pháp ghi nhận: “công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước”, tuy nhiên hộ khẩu đã bó hẹp sự tự do đó của công dân. Hộ khẩu làm những người ở quê di cư đến các thành phố lớn (không đủ điều kiện để nhập khẩu thành phố) phải đối diện với nhiều khó khăn: khám chữa bệnh, làm chứng minh nhân dân, hộ chiếu, mua xe máy… đến việc xin cho con nhập học.
Đương cử một trường hợp điển hình, em Đỗ Hồng Sơn học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị đình chỉ học tập chỉ vì không có hộ khẩu Hà Nội. Em phải viết đơn gửi đến Chủ tịch nước để xin Chủ tịch cho em được tiếp tục đến trường.
(Em Đỗ Hồng Sơn trầm ngâm trước bức thư - ảnh Internet)
(Bức thư gửi Chủ tịch nước của em Sơn)
Hộ khẩu mang đến cho cơ quan quản lý nhà nước sự dễ dàng và chặt chẽ trong khâu quản lý dân cư bao nhiêu thì gây bất lợi cho công dân bấy nhiêu, và từ đó phát sinh nhiều tiêu cực (chạy chọt và xin xỏ).
Nếu cho rằng, dùng hộ khẩu để thắt chặt việc di dân đến các thành phố lớn nhằm hạn chế việc chênh lệch nguồn lao động giữa nông thôn với thành thị, sự bất ổn trong xã hội… thì đây là điều không thể. Vì hộ khẩu chỉ thắt chặt việc di dân trên mặt pháp lý còn thực tiễn nó bị kinh tế chi phối nên người dân vẫn cứ di cư. Thế nên, muốn thắt chặt việc di dân phải dùng yếu tố kinh tế giải quyết chứ không phải là hộ khẩu.
Rất mong, trong thời gian tới cơ quan quản lý nước nhà cần có sự thay đổi về hộ khẩu để đảm bảo quyền tự do đi lại và cư trú của công dân.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 20/02/2014 08:35:17 SA