Bộ GD&ĐT mới đây đã có Công văn 4286/BGDĐT-VP, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
(1) Kiến nghị thay kỳ thi THPT quốc gia bằng xét tốt nghiệp
Trước đó, cử tri tỉnh An Giang đã kiến nghị tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay.
Theo đó, tại Công văn 4286/BGDĐT-VP, Bộ GD&ĐT đã phản hồi kiến nghị nêu trên như sau:
Hiện nay, theo khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019 có quy định như sau:
- Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp.
- Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định.
Theo đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện nay đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019. Kỳ thi phục vụ mục đích lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập của cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT còn là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội quan tâm. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, như: Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013; Nghị quyết 88/2014/QH13 năm 2014; Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2023.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có nêu rõ, phương án thi được ban hành kèm theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Những thí sinh có đủ kết quả đại diện cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ, đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(2) Kiến nghị giao Sở GD&ĐT địa phương quyết định, lựa chọn SGK thống nhất theo cấp học trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh kiến nghị tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh THPT trên toàn quốc thay cho hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia như đã có nêu tại mục (1), cử tri tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT giao cho Sở GD&ĐT địa phương được quyết định, lựa chọn bộ SGK thống nhất theo cấp học trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã dẫn lại Nghị quyết 88/2014/QH13 như sau:
“Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xã hội hóa, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa, tạo ra những bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt của nhiều nhóm tác giả sách khác nhau; học sinh và giáo viên có cơ hội lựa chọn được các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, tại các Thông tư quy định lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT đã giao quyền quyết định cho trường nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, việc sử dụng bộ SGK do cơ sở giáo dục lựa chọn, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, việc mỗi nhà trường tổ chức giảng dạy với các bộ sách giáo khoa khác nhau không ảnh hưởng đến việc phụ huynh tham gia vào quá trình kiểm tra, hướng dẫn con em học tập.