Dạo gần đây, sự trở lại của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đã làm người dân hoang mang, trong đó nhiều trường hợp không những bị dụ dỗ lôi kéo tham gia vào mà còn mất tiền để hỗ trợ vào tổ chức Hội thánh này. Đây có phải dấu hiệu của hành vi mê tín dị đoan hay không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Theo Bộ Công an, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” tên chính thức và đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, du nhập vào Việt Nam từ năm 2001.
Bằng nhiều cách thức, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đã nhen nhóm và nhanh chóng phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay, giáo phái này chưa được công nhận về mặt tổ chức tại Việt Nam; giáo lý hoạt động mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý để trục lợi cá nhân, trái với văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Những người tin theo Hội thánh này thường ở độ tuổi từ 18 đến 50, phần nhiều là sinh viên, phụ nữ nội trợ. Các đối tượng cầm đầu thường lựa chọn mục tiêu là những người gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, ốm đau, làm ăn thua lỗ để tiếp cận, dụ dỗ lôi kéo tham gia.
Mặc dù chúng rao giảng dạy giáo lý cơ bản từ kinh thánh, những biến tướng sai lệch với nhiều quan điểm cực đoan như chỉ xem trọng bản thân, coi thường người thân, gia đình.
Không ít gia đình có người thân tham gia tổ chức này đã u mê đập bỏ bát hương, bàn thờ, không thờ cúng tổ tiên, ông bà; bỏ chồng con, bỏ bê công việc, học hành, mang tiền đi phụng sự tổ chức, gây chia rẽ và mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ…
Để có thể lôi kéo được hội viên tham gia, các đối tượng thường núp bóng dưới nhiều hình thức như trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình, giới thiệu khóa học phát triển tư duy, các buổi hội thảo “làm giàu”, bán hàng online, kinh doanh các mặt hàng thiết bị điện, đồ gia dụng, sản phẩm sinh hoạt gia đình, … với nhiều thủ đoạn mới như giao giảng, nhóm họp trên không gian mạng qua Zoom, Zalo, facebook, các điểm sinh hoạt tại các nơi công cộng, quán nước, quán cà phê hoặc nhà riêng, nhà trọ…
Phương thức hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ tương tự như mô hình đa cấp, được chia thành nhiều nhóm nhỏ, các điểm nhóm sinh hoạt riêng rẽ.
Các đối tượng ban đầu chỉ là lân la làm quen, khéo léo tiếp cận tìm hiểu gia cảnh của từng người, rồi động viên chia sẻ, hướng dẫn những điều cần thiết trong cuộc sống, sau đó sẽ tìm cách thao túng tâm lý, ép người tham gia bằng sự sợ hãi bởi những lời rao giảng lệch chuẩn, gieo vào tín đồ niềm tin ngày tận thế, về sự phán xét của Đức chúa trời nếu không nghe, tin theo, về những rủi ro, những điều siêu nhiên, về sứ mệnh cao cả của hội viên để cứu rỗi linh hồn, về cuộc sống an nhàn, hạnh phúc khi theo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ …
Nguy hiểm hơn, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ còn tìm mọi cách để lôi kéo hội viên là những học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, đã ảnh hưởng đến việc học tập…
Trước tình hình hoạt động phức tạp của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, lực lượng Công an tại nhiều địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động đạo trái pháp luật của tổ chức này.
Đồng thời phát hiện, bắt, xử lý nghiêm các điểm nhóm của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan đến việc truyền đạo, sinh hoạt đạo trái pháp luật.gây ảnh hưởng xấu tới người tin theo cũng như gia đình của họ và xã hội nên hoạt động của các điểm nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, dù bất kỳ dưới hình thức nào cũng cần phải được lên án và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Do đó, người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin từ thành viên Hội thánh này, tránh bị lợi dụng, gây nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tham khảo:
Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?
Xử phạt vi phạm hành chính
Mê tín dị đoan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Cụ thể: sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi:
- Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích;
- Ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ;
- Nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm;
- Xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.
Ngoài ra, theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan như sau:
Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên).
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, hành vi hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp sau:
Dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Làm chết người;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.