Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
[…]
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ đượchành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."
Theo quy định trên, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Khi con được 12 tháng tuổi trở lên thì bạn mới có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
- Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
[…]
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Theo quy định trên, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Vì vậy, nếu bạn chứng minh được vợ bạn có biểu hiện tâm lý, không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì tòa án sẽ xem xét việc không giao con cho vợ bạn trực tiếp nuôi chứ không phải là bác bỏ quyền nuôi con của vợ bạn. Khi đó, con bạn sẽ được giao cho bạn trực tiếp nuôi hoặc giao cho người thân khác trực tiếp nuôi nếu bạn cũng không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con.