Biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng

Chủ đề   RSS   
  • #608827 23/02/2024

    Biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng

    Ngày 19/02/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình.

    Theo đó việc biên soạn và lựa chọn giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

    1. Biên soạn và lựa chọn giáo trình đào tạo:

    - Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập tổ/nhóm biên soạn giáo trình đảm bảo yêu cầu: Có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 03 năm trong lĩnh vực ngành, nghề cần biên soạn; am hiểu và có kinh nghiệm về xây dựng, biên soạn giáo trình.

    - Tổ chức biên soạn giáo trình:

    + Nghiên cứu chương trình đào tạo; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực, vị trí việc làm của ngành, nghề; chương trình chi tiết môn học, mô đun trong chương trình đào tạo và các kết quả khảo sát doanh nghiệp, kết quả phân tích nghề, phân tích công việc.

    + Nghiên cứu, tham khảo các tài liệu chuyên môn khác có liên quan.

    + Biên soạn nội dung chi tiết giáo trình (Theo mẫu tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH).

    + Xin ý kiến chuyên gia về nội dung của giáo trình.

    + Tổng hợp ý kiến góp ý, sửa chữa, biên tập, hoàn thiện giáo trình.

    - Lựa chọn giáo trình:

    + Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn giáo trình do cơ sở đào tạo khác ở trong nước hoặc nước ngoài biên soạn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và phù hợp với chương trình đào tạo để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức của trường.

    + Tùy theo yêu cầu cụ thể của giáo trình đào tạo được lựa chọn, người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định việc tổ chức thẩm định giáo trình trước khi phê duyệt áp dụng thực hiện. Việc thẩm định (nếu có) được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH.

    2. Thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình:

    Việc thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 12 Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

    - Hội đồng thẩm định giáo trình:

    + Hội đồng thẩm định giáo trình do người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập, có nhiệm vụ nhận xét, đánh giá, thẩm định giáo trình; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo trình. Báo cáo kết quả thẩm định làm căn cứ để người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định phê duyệt và sử dụng.

    + Hội đồng thẩm định giáo trình có số lượng thành viên là số lẻ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên là giáo viên, giảng viên, các chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm của ngành, nghề đào tạo. Thành viên Hội đồng thẩm định có trình độ đại học trở lên; có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và biên soạn giáo trình.

    - Tổ chức thẩm định, duyệt giáo trình:

    + Hội đồng thẩm định làm việc dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp của Hội đồng thẩm định giáo trình phải đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số thành viên, trong đó phải có chủ tịch và thư ký.

    + Hội đồng thẩm định nhận xét, đánh giá về nội dung dự thảo giáo trình trên cơ sở chương trình đào tạo và các yêu cầu về nội dung chuyên môn; Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết luận về chất lượng giáo trình đào tạo trên cơ sở ý kiến nhận xét, đánh giá của từng thành viên.

    + Tổ/nhóm biên soạn tiếp thu, hoàn thiện giáo trình theo ý kiến nhận xét, góp ý của Hội đồng thẩm định.

    + Chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả thẩm định giáo trình sau khi đã hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng.

    Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 05/04/2024 và thay thế cho Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH.

     
    78 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận