Một số người thắc mắc, khị bị tước GPLX trên VNeID thì bằng lái cứng còn sử dụng được không khi hiện nay việc xuất trình GPLX thông qua VNeID ngày càng phổ biến
(1) Người dân được xuất trình GPLX thông qua VNeID từ ngày 01/7/2024
Từ ngày 01/7/2024 Thông tư 28/2024/TT-BCA bắt đầu có hiệu lực, kéo theo đó là việc sửa đổi, bổ sung hình thức xuất trình GPLX của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi có yêu cầu xuất trình từ lực lượng chức năng.
Theo đó, khoản 1 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau:
Khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu; việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Ngoài ra, điểm b khoản 3 Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA quy định, trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện xuất trình bản cứng các giấy tờ thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, người dân có thể xuất trình GPLX được tích hợp trên Ứng dụng VNeID khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin giấy tờ. Nếu người dân xuất trình GPLX bản cứng thì lực lượng chức năng sẽ kiểm tra bản cứng, sau đó đối chiếu lại với thông tin có trên cơ sở dữ liệu.
Việc tích hợp GPLX vào VNeID là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo môi trường giao thông thông minh và an toàn hơn.
Người dùng VNeID có thể dễ dàng xuất trình GPLX điện tử trên điện thoại thông minh, còn lực lượng chức năng sẽ dễ kiểm soát, quản lý GPLX giả.
Việc xử phạt bằng hình thức tước bằng lái xe cũng được thực hiện trên ứng dụng VNeID, tuy nhiên, việc này cũng làm nhiều người thắc mắc liệu khi bị bước GPLX trên VNeID thì bằng lái cứng còn giá trị sử dụng hay không?
(2) Bị tước GPLX trên VNeID thì bằng lái cứng còn giá trị sử dụng không?
Căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 21 và điểm b khoản 1 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, lực lượng chức năng được tạm giữ, tước GPLX trên môi trường điện tử. Khi đó, người có thẩm quyền xử phạt cập nhật thông tin về việc tạm giữ GPLX lên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với VNeID để người vi phạm biết được thông tin GPLX đang bị tạm giữ.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau khi thực hiện các bước lập biên bản tước bằng lái xe của người vi phạm thì cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ cập nhật thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện biết, chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
"Khi người vi phạm đã bị tước bằng lái trên môi trường điện tử thì việc xuất trình giấy phép lái xe bằng bản cứng sẽ không có giá trị. Bởi vì lực lượng CSGT sẽ tra cứu thông tin giấy phép lái xe đó trên cơ sở dữ liệu và nắm được giấy tờ đó có đang bị tạm giữ hay không", đại diện Cục CSGT nói.
Như vậy, khi bị tước GPLX trên VNeID thì bằng lái cứng của người vi phạm cũng sẽ bị mất giá trị sử dụng.
(3) Gỡ bỏ việc tạm giữ, tước GPLX trên VNeID như thế nào?
Điểm đ khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA nêu rõ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước (khi hết thời hạn tước quyền sử dụng) cho người bị xử phạt qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trường hợp giấy tờ đó có thông tin về việc bị tạm giữ, tước quyền sử dụng trên VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó.
Như vậy, khi hết thời hạn bị tạm giữ, tước bằng lái thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ trả lại GPLX qua dịch vụ bưu chính công ích (nếu tạm giữ, tước bằng lái bản cứng), nếu việc tạm giữ, tước bằng lái được thực hiện trên VNeID thì sẽ thực hiện đồng bộ cập nhật để gỡ bỏ thông tin tạm giữ, tước bằng lái xe của người vi phạm.