Sau khi bị tước bằng lái xe do vi phạm nồng độ cồn có được sử dụng xe dưới 50cc không? Mức phạt vi phạm vi phạm nồng độ cồn năm 2024 là bao nhiêu? Bị tước bằng lái xe nhưng vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện thì bị xử phạt thế nào? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc trên.
(1) Bị tước bằng lái xe do vi phạm nồng độ cồn có được tiếp tục lái xe dưới 50cc không?
Căn cứ theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về những điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:
- Phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
- Khi tham gia giao thông, người lái xe buộc phải mang theo những giấy tờ như sau:
+ Đăng ký xe.
+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008.
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008.
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đồng thời, tại Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 (50cc). Loại phương tiện này cũng không yêu cầu người điều khiển phải có Giấy phép lái xe, mà chỉ cần có đăng ký xe và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới kèm theo CCCD (nếu có).
Chính vì thế, trường hợp người vi phạm đã bị tước Giấy phép lái xe trước đó, thì trong thời hạn bị tước Giấy phép lái xe, người này vẫn có thể điều khiển các loại xe có dung tích dưới 50cm3 (50cc), xe đạp điện, xe máy,...
(2) Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn năm 2024 là bao nhiêu?
Đối với ô tô: Nội dung này được quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 06 đến 08 triệu đồng đối với trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung cho hành vi vi phạm này là tước Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đối với xe máy: Mức phạt đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở được quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 02 đến 03 triệu đồng đối với trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.
- Phạt tiền từ 04 đến 05 triệu đồng nếu phát hiện trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Phạt tiền từ 06 đến 08 triệu đồng nếu phát hiện trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình thức phạt bổ sung cho hành vi vi phạm này là tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
(3) Bị tước bằng lái xe nhưng vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được hướng dẫn bởi Nghị định 118/2021/NĐ-CP có đề cập đến việc trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Chính vì thế, trường hợp người vi phạm bị tước Giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định tại Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Như vậy, trường hợp bị tước giấy phép lái xe mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép lái xe. Cho nên, điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe thì bị xử phạt tiền từ 10 đồng đến 12 triệu đồng. Trường hợp là điều khiển xe máy 02 bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe máy thì bị phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng. Trường hợp điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, xe máy 3 bánh thì bị xử phạt từ 04 đến 05 triệu đồng.