Bị phạt nguội khi đi du lịch, có được đóng phạt tại nơi cư trú không?

Chủ đề   RSS   
  • #610419 10/04/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (227)
    Số điểm: 2911
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 49 lần


    Bị phạt nguội khi đi du lịch, có được đóng phạt tại nơi cư trú không?

    Nhiều người dân vi phạm giao thông trong thời gian đi du lịch và bị phạt nguội qua camera. Vậy, người đi du lịch bị phạt nguội mà hiện tại không còn ở địa điểm du lịch nữa thì có được đóng phạt tại nơi cư trú không?

    Bị phạt nguội khi đi du lịch, có được đóng phạt tại nơi cư trú không?

    1) Có được đóng phạt tại nơi cư trú không?

    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP về xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:

    Trường hợp tổ chức, cá nhân:

    - Vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh khác và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm 

    - Vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm

    Thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục thực hiện các bước xử lý theo quy định.

    Như vậy, nếu đi du lịch mà mắc lỗi vi phạm giao thông bị phạt nguội và không có điều kiện đến trụ sở cơ quan phát hiện vi phạm thì người có thẩm quyền sẽ chuyển vụ việc đến cơ quan nơi cư trú của người vi phạm. Người vi phạm không bắt buộc phải quay lại nơi đã vi phạm.

    2) Cách thức đóng phạt

    Theo đó, người vi phạm có thể đóng phạt qua các phương thức theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP mà không cần quay lại nơi vi phạm như sau:

    Thứ nhất, người vi phạm có thể nộp phạt nguội trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi kho bạc mở tài khoản hoặc chuyển khoản vào số tài khoản của Kho bạc Nhà nước (thông tin về trụ sở hoặc ngân hàng này được ghi cụ thể tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

    Thứ hai, người vi phạm đăng ký với công an và đến bưu điện gần nhất để nộp tiền vi phạm.

    Thứ ba, người vi phạm có thể lựa chọn 1 trong 2 kênh online để nộp phạt là dịch vụ công của Bộ CA tại địa chỉ: dichvucong.bocongan.gov.vn; hoặc dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: dichvucong.gov.vn.

    Như vậy, người vi phạm giao thông sẽ nộp tiền phạt vi phạm giao thông theo các hình thức trên tại nơi cư trú mà không cần quay lại nơi vi phạm.

    CSGT có thể bắt lỗi phạt nguội qua đâu?

    Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT có thể phát hiện phạt nguội qua:

    - Phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ)

    - Dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính

    1) Nếu phát hiện vi phạm qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

    Theo Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:

    - Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính;

    - Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính;

    - Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;

    - Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

    2) Nếu phát hiện vi phạm qua dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp

    Theo Điều 20, Điều 21 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, quy trình tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu, xác minh dữ liệu và kết luận vụ việc như sau:

    - Người có thẩm quyền hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu theo quy định.

    - Người có thẩm quyền thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định

    - Vào sổ và báo cáo công tác tiếp nhận, thu thập dữ liệu

    - Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập được như sau:

    + Dữ liệu thuộc thẩm quyền xử lý thì tiến hành thủ tục xác minh theo quy định.

    + Dữ liệu không thuộc thẩm quyền xử lý thì chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc xác minh;

    - Kết luận nội dung vụ việc căn cứ trên dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, kết quả xác minh:

    + Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật;

    + Trường hợp xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính;

    + Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Quá thời hạn nộp phạt bị xử lý thế nào?

    1) Thời hạn nộp phạt nguội

    Theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

    Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

    Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người vi phạm sẽ phải nộp phạt.

    2) Quá thời hạn nộp phạt bị xử lý thế nào?

    Theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi Khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định:

    -Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012

    - Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”.

    Như vậy, nếu quá thời hạn đóng tiền phạt theo thời gian quy định thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

    Xem thêm: Hướng dẫn cách kiểm tra phạt nguội online nhanh chóng

     
    37 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận