Bị nợ lương bao lâu thì có quyền khởi kiện - Minh họa
Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, đôi lúc người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ không thể kịp thời thanh toán lương cho người lao động (NLĐ) của mình. Pháp luật cho phép một thời hạn để kéo dài thời gian thực hiện việc trả lương, tuy nhiên khoảng thời gian này là bao lâu?
Theo nguyên tắc của Bộ luật lao động 2019, NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Ngoài ra, họ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác theo chỉ định.
Khi trả lương, NSDLĐ sẽ căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc, nói cách khác là theo những điều khoản đã ký trong Hợp đồng lao động.
Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 thì:
“Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”
Theo đó, NLĐ cần lưu ý một số vấn đề:
- NSDLĐ có thể trả lương chậm tối đa 30 ngày, tuy nhiên việc chậm trễ này phải là vì lý do bất khả kháng và họ đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể thực hiện việc trả lương đúng hạn.
- Tuy thời hạn chậm lương tối đa có thể lên đến 30 ngày, nhưng kể từ ngày chậm lương thứ 15 trở đi, NSDLĐ sẽ phải trả thêm lãi phát sinh từ số tiền lương trả chậm.
- Mức lãi phát sinh tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng công bố tại ngân hàng mà NSDLĐ mở tài khoản trả lương.
Như vậy, có thể hiểu rằng, sau một tháng kể từ khi không được nhận lương, NLĐ hoàn toàn có thể khởi kiện NSDLĐ!
Mức phạt hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả lương cho NLĐ là từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy vào số lượng nhân viên bị vi phạm nghĩa vụ. (Căn cứ Khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)