Bỗng một ngày, một nhóm người bặm trợn đến đập cửa nhà bạn và đòi nợ, lấy lý do người thân của bạn vay tiền nhưng không còn khả năng trả, bây giờ bạn phải trả nợ thay, thì bạn nên làm gì?
(1) Bị khủng bố đòi nợ dù không vay tiền, phải làm sao?
Liên quan đến vấn đề này, Điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Bên cạnh đó, trong quy định về nghĩa vụ của bên vay tài sản theo quy định tại Điều 466 Bộ Luật Dân sự 2015 chỉ nêu nghĩa vụ trả nợ của bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Có thể thấy, pháp luật quy định bên vay tài sản là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không quy định trường hợp không trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ nữa thì người thân phải trả thay, trả dùm. Do đó, nếu bạn không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả tiền vay này.
Cho nên, với hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa đòi nợ như chửi bới, tạt sơn, bắt loa để đòi nợ,...v.v thì bên đòi nợ đã vi phạm pháp luật, đối với hành vi này, họ sẽ bị xử phạt hành chính, nếu hậu quả thiệt hại nặng nề, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, khi gặp trường hợp này, nếu bạn cảm thấy rằng sự việc đang diễn ra có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, bạn cần trình báo sự việc đến công an xã, phường nởi xảy ra sự việc ngay lập tức.
Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của bạn mà còn tạo điều kiện cho cơ quan chức năng can thiệp kịp thời, đảm bảo an ninh và trật tự tại khu vực cư trú của bạn.
Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn cần lưu giữ mọi bằng chứng liên quan đến hành vi đe dọa này để hỗ trợ cho việc điều tra và xử lý.
(2) Mức phạt đối với hành vi khủng bố tinh thần để đòi nợ
Hành vi khủng bố tinh thần người khác để đòi nợ như: chửi bởi, tạt sơn, hắt mắm tôm, bắt loa để đòi nợ,...v.v là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
Xử phạt hành chính:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng: khi có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi:
+ Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác;
+ Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu cho tài sản đã phá hoại và chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu có gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Xử lý hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Ngoài ra, nếu phạm tội có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, tái phạm,...v.v thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm - 07 năm.
Do đó, khi bạn gặp phải trường hợp này, hãy bình tĩnh thông báo ngay sự việc đến cơ quan chức năng (công an xã, phường) để được hỗ trợ giải quyết và bảo vệ khỏi sự nguy hiểm, manh động của các đối tượng đòi nợ.