Trong vụ án dân sự thông thường để đảm bảo quyền lợi của mình nguyên đơn sẽ yêu cầu Tòa án thẩm định giá tài sản, thẩm định tài sản. Vậy, bị đơn có quyền được yêu cầu Tòa án thẩm định giá trong đơn khiếu kiện của nguyên đơn?
1. Đối tượng được yêu cầu thẩm định giá tài sản
Căn cứ Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định định giá tài sản, thẩm định giá tài sản của đương sự đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.
- Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.
Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
- Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
+ Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
+ Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Do đó, không chỉ là nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án thẩm định giá mà bị đơn cũng có quyền yêu cầu thẩm định giá tài sản.
2. Nguyên tắc thẩm định giá được thực hiện thế nào?
- Các bên đương sự tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản. Nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
- Việc định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá.
- Bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, đúng quy định của pháp luật.
- Giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam.
- Trường hợp tài sản định giá không còn thì việc xác định giá căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc hoặc tham khảo giá của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định. Tài sản cùng loại, tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật được xác định theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự thực hiện yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản theo yêu cầu đương sự
- Sau khi có đủ điều kiện ra văn bản yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản tiến hành định giá tài sản theo quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch này thì Toà án ban hành văn bản yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành thẩm định giá tài sản đang tranh chấp.
- Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời về việc đồng ý tiến hành định giá tài sản của tổ chức thẩm định giá, Tòa án phải thông báo cho các bên đương sự để tiến hành thủ tục theo yêu cầu của tổ chức thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá từ chối thẩm định giá tài sản thì Tòa án thông báo cho đương sự biết để lựa chọn tổ chức thẩm định giá khác.
- Việc tiến hành thủ tục thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá được tiến hành theo quy định về pháp luật thẩm định giá tài sản.
- Ngay sau khi có kết quả thẩm định giá, tổ chức thẩm định giá tài sản phải gửi kết quả thẩm định giá cho Toà án. Tòa án thông báo kết quả định giá cho các bên đương sự có liên quan đến việc định giá tài sản.
- Kết quả thẩm định giá được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, miễn là đương sự thì dù là bị đơn hay nguyên đơn đều có quyền yêu cầu Tòa án thẩm định tài sản, thẩm định giá tài sản để bảo đảm quyền lợi của mình.