Những năm trước đây, số người mắc bệnh lao chiếm một tỷ lệ đáng kể và bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm, nhiều người cảnh báo rằng đó là căn bệnh khó chữa khỏi, vài năm sau đó, người ta tìm ra được thuốc chữa bệnh.
Và căn bệnh này không còn nguy hiểm như ngày trước nữa, số người mắc bệnh cũng được chữa khỏi. Bảo hiểm y tế (BHYT) là phúc lợi cho nhân dân, bệnh lao cũng được liệt kê trong danh sách được hưởng bảo hiểm.
Đối tượng mắc bệnh lao nào được hưởng BHYT?
Đó là:
- Người mắc bệnh lao, gồm:
+ Lao phổi AFB dương tính.
+ Lao phổi AFB âm tính.
+ Lao ngoài phổi (xét nghiệm trực tiếp AFB dương tính, có tổn thương trên X quang, kết quả nuôi cấy vi khuẩn lao dương tính, có vi khuẩn lao trong bệnh phẩm lấy từ tổn thương của cơ quan tương ứng, hoặc các xét nghiệm tương đương chẩn đoán xác định).
- Người nghi mắc lao
Người bệnh có triệu chứng ho kéo dài trên 02 tuần, có thể là ho khan, ho có khạc đờm, hoặc ho ra máu.
Người bệnh có thể có các triệu chứng khác kèm theo như: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm, đau ngực, đôi khi có khó thở…
- Người mắc lao tiềm ẩn
Là người nhiễm vi khuẩn lao, có phản ứng Tuberculin hoặc phản ứng IGRA dương tính.
- Người mắc lao kháng thuốc
Người mắc bệnh lao có tình trạng kháng thuốc chống lao theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế thuộc một trong các thể sau: kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc, kháng Rifampicin, kháng với tất cả các thuốc chống lao.
Cơ sở khám chữa bệnh lao được hưởng BHYT
- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã và tương đương. (theo Thông tư 37/2014/TT-BYT)
- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tương đương, kể cả trung tâm y tế tuyến huyện (theo Thông tư 37/2014/TT-BYT và Thông tư 02/2013/TT-BYT)
- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương theo Thông tư 37/2014/TT-BYT, kể cả:
+ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện có chuyên khoa lao và bệnh phổi tuyến tỉnh.
+ Trung tâm y tế dự phòng có khoa Lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội có khoa Lao, Trung Tâm Phòng chống Lao tuyến tỉnh va tương đương đã được cấp phép hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương theo Thông tư 37/2014/TT-BYT và
+ Bệnh viện phổi trung ương.
+ Bệnh viện trung ương 74.
+ Bệnh viện trung ương 71.
+ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.
Quyền lợi BHYT được hưởng khi mắc bệnh lao
- Người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT theo pháp luật về BHYT.
- Đối với bệnh lao tiềm ẩn, người tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị.
- Nếu cơ sở khám chữa bệnh không đủ trang thiết bị, nhân lực, khả năng chuyên môn…thì cơ sở đó chuyển mẫu máu, mẫu bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác (thuộc cơ sở khám chữa bệnh lao được hưởng BHYT) để xét nghiệm, chẩn đoán.
Chi phí xét nghiệm, chẩn đoán được quỹ BHYT thanh toán cho cơ sở thực hiện kỹ thuật hoặc nơi chuyển mẫu máu, mẫu bệnh phẩm…
- Nếu cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc hay không đủ thuốc chống lao để điều trị cho người bệnh thì được sử dụng thuốc do cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa lao cung cấp sau khi có hội chẩn giữa 2 cơ sở.
Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh nơi cấp thuốc.
Nếu người tham gia BHYT mắc bệnh lao đi khám chữa bệnh không đúng tuyến?
- Trường hợp đã được chẩn đoán mắc bệnh lao: phạm vi quyền lợi thực hiện theo Điều 22 Luật bảo hiểm y tế 2008 và Khoản 15 Điều 1 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
- Trường hợp người tham gia BHYT được phát hiện mắc bệnh lao tại cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đến khám chữa bệnh không đúng tuyến: chi phí khám chữa bệnh lao được quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến.
Xem chi tiết tại dự thảo Thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT với người mắc bệnh lao và người nghi mắc bệnh lao.