Mới đây, vụ án 3 con gái mua xăng đốt nhà mẹ ở Hưng Yên gây hoang mang dư luận. Mọi người đặt ra câu hỏi “Liệu có phải bên cạnh những giá trị đạo đức tích cực trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái; trước sự tác động của các nhân tố kinh tế – văn hóa- xã hội hiện đại, các giá trị đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã bộc lộ những hạn chế nhất định?”.
Pháp luật có quy định về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ không? Bất hiếu có vi phạm quy định pháp luật không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ là gì?
Căn cứ tại Điều 70, 71 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ như sau:
- Bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình
- Nghĩa vụ tham gia sản xuất, tạo thu nhập, đóng góp nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình theo khả năng của mình
- Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn luôn tồn tại những đứa con bất hiếu. Những người này có hành vi ngược đãi, không kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ như:
- Đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở, nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách…
- Có hành vi bạo lực như đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.
(Căn cứ tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC)
Tùy từng hành vi, tính chất mà những người con bất hiếu có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt vi phạm bất hiếu đối với cha mẹ
Mức phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi bất hiếu, cụ thể:
Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
Căn cứ Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
- Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu;
- Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình
Căn cứ Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
- Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
Căn cứ Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
- Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
- Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
- Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi.
Hành vi vi phạm về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cha mẹ
Căn cứ tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.
Hành vi bạo lực về kinh tế
Căn cứ tại Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngoài bị xử phạt hành chính, những người con bất hiếu còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội sau:
- Tội hành hạ người khác căn cứ tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù.
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình căn cứ Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù.
- Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù.