Vừa qua, trên các nền tảng xã hội đều đăng loạt tin về vụ việc nữ sinh ở Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường. Hành vi bạo lực học đường không chỉ là mối lo ngại của học sinh mà ngay cả bậc cha mẹ phụ huynh, giáo viên, xã hội ngày nay cũng nhận thấy là mối lo ngại đáng sợ đối với con em chúng ta. Vậy hành vi bạo lực học đường sẽ được xử lý như thế nào? Việc xin chuyển lớp được chấp nhận trong trường hợp nào?
Cụ thể, liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An tự tử nghi liên quan đến bạo lực học đường, ngày 18-4 Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Trường ĐH Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, yêu cầu sớm điều tra, làm rõ sự việc.
Trước đó, gia đình này cũng đề cập đến việc xin chuyển lớp cho nữ sinh, tuy nhiên do thực hiện chương trình học mới nên chưa thực hiện chuyển lớp ngay được.
Trước cái kết thương tâm của nữ sinh. Bạo lực học đường lại lần nữa cảnh báo cho toàn xã hội đây là một vấn nạn cần được quan tâm.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực học đường
Theo quy định tại Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về những hành vi học sinh không được làm khi tham gia học tập tại trường cụ thể như sau:
Các hành vi học sinh không được làm, bao gồm:
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bạo lực học đường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Hành vi bạo lực học đường bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại tiểu mục 5 Mục III Thông tư 08/TT năm 1988 hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành quy định về mức xử phạt dành cho hành vi bạo lực học đường cụ thể như sau:
Đuổi học 01 năm đối với hành vi: Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương
Sau khi thi hành kỷ luật đuổi học 1 năm, nhà trường phải lập đầy đủ hồ sơ, báo cáo ngay lên cơ quan giáo dục cấp trên trực tiếp quản lí là Phòng giáo dục (đối với học sinh cấp 2) và Sở giáo dục (đối với học sinh PTTH) để biết và theo dõi
Những học sinh sau 1 năm bị đuổi học, nếu có đủ điều kiện về tuổi và muốn học lại thì phải làm đơn xin trường cũ xét cho học lại và phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, thị xã, thị trấn, …) về sự tiến bộ của bản thân, giấy cam kết của gia đình về việc giáo dục con mình
Ngoài hình thức thi hành kỷ luật trên đây, để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như: nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở, … Các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau
Xem thêm bài viết liên quan: BGDĐT phản hồi về kiến nghị giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường
Thủ tục chuyển lớp học mới nhất
Thủ tục chuyển lớp học là thủ tục trong nội bộ nhà trường quy định. Tùy thuộc vào quy định của mỗi trường sẽ có các bước thực hiện chi tiết khác nhau. Vì vậy, trước khi viết đơn xin chuyển lớp để tránh mất thời gian và công sức của học sinh sinh viên cũng như các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu rõ thủ tục và quy trình chuyển lớp cụ thể chi tiết tại trường học như thế nào.
Dưới đây là quy trình chung nhất khi chuyển lớp học:
- Học sinh, sinh viên hoặc các bậc phụ huynh làm đơn xin chuyển lớp có chữ ký đầy đủ của học sinh, sinh viên và ý kiến của phụ huynh
- Học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh nộp đơn xin chuyển lớp tại văn phòng nơi tiếp nhận đơn từ của nhà trường và chờ kết quả.
- Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin chuyển lớp, xem xét và đưa ra quyết định phê duyệt hay không phê duyệt.
- Nếu có được sự phê duyệt của Hiệu trưởng nhà trường thì học sinh sinh viên hoặc các bậc phụ huynh nhận giấy nhận lớp tại văn phòng nơi đã tiếp nhận đơn.
Mẫu đơn xin chuyển lớp cấp 1
https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/danluatfile/2023/04/19/mau-don-xin-chuyen-lop-cap-1_0802134224.docx
Mẫu đơn xin chuyển lớp cấp 2
https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/danluatfile/2023/04/19/mau-don-xin-chuyen-lop-cap-2_0802134224.docx
Mẫu đơn xin chuyển lớp cấp 3
https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/danluatfile/2023/04/19/mau-don-xin-chuyen-lop-cap-3-1_0802134224.docx