Để thực hiện thủ tục bảo lãnh người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Doanh nghiệp) phải thực hiện thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Doanh nghiệp phải gửi thông báo lên Cục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, nội dung thông báo bao gồm:
a) Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;
b) Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
Sau đó Doanh nghiệp gởi đề nghị cấp thị thực lên Cục quản lý xuất nhập cảnh, bao gồm:
- 01 Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam, có dán ảnh cỡ 4x6 cm (chụp chưa quá 1 năm, mắt nhìn thẳng, đầu để trần);
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu (còn thời hạn dài hơn ít nhất 01 tháng so với thời hạn giá trị của thị thực đề nghị cấp);
- Thông báo của Doanh nghiệp về việc đã làm thủ tục nhập cảnh cho khách tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong vòng 5 ngày Cục quản lý xuất cảnh nhập cảnh sẽ báo cho Doanh nghiệp về việc đồng ý cho người nước ngoài nhập cảnh, sau đó Doanh nghiệp phải thông báo lại cho người lao động tới cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để làm thủ tục xin cấp thị thực (visa)
Trước 15 ngày tính từ ngày người lao động bắt đầu làm việc tại Việt Nam, Doanh nghiệp phải xin giấy phép lao động cho người nước ngoài theo Nghị định 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam , hồ sơ đề nghị chị tham khảo tại điều 10 Thông tư này. Hồ sơ được nộp lên Sở lao động thương binh xã hội. Trường hợp miễn giấy phép lao động (theo Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP) thì cũng làm xác nhận theo Điều 8 Nghị định này chị nhé.
Khi người nước ngoài vào Việt Nam rồi thì đăng ký tạm trú theo Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.