Người lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế hàng tháng nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này và thắc mắc bảo hiểm xã hội có bao gồm bảo hiểm y tế không?
Vì hằng tháng phải đóng hai khoản bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì rõ ràng nó phải độc lập nhau. Đó là cách suy luận theo logic bình thường. Vậy còn lập luận dựa trên kiến thức pháp luật thì sao? Mời bạn đọc!
Căn cứ Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì "Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội."
Căn cứ Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) thì "Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”
Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đều hoạt động theo tiêu chí không vì lợi nhuận mà là một chính sách xã hội. Cả 2 đều có mục đích chung là mọi người sống trong cùng một xã hội có thể cùng san sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn khi khó khăn.
Tuy nhiên, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là hai loại bảo hiểm độc lập nhau vì chúng khác nhau về phương thức thanh toán như sau:
Bảo hiểm y tế: Khi người tham gia bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con sẽ được BHYT thanh toán hoặc giảm trừ ngay các khoản tiền viện phí, tiền thuốc tại bệnh viện mà không cần phải làm hồ sơ và mất thời gian.
Bảo hiểm xã hội: Khi người lao động bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất… thì người lao động cần làm hồ sơ và nộp cho công ty để công ty hoàn tất thủ tục và gửi lên cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau một thời gian, người lao động mới nhận được khoản tiền trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.