Bảo hiểm tiền gửi: Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiết kiệm

Chủ đề   RSS   
  • #592294 10/10/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2003 lần


    Bảo hiểm tiền gửi: Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiết kiệm

    Tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng vẫn luôn là một nguồn dự trữ tiền tệ chính. Việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn hay có kỳ hạn ở mức cao đóng một vai trò quan trọng vì nếu duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn so với mức tổng huy động thì có khả năng bù đắp cho việc phát hành trái phiếu.
     
    bao-hiem-tien-gui-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-gui-tiet-kiem
     
    Tuy nhiên, không phải lúc nào ngân hàng cũng có thể duy trì được hoạt động gửi tiền trong một khoản thời gian dài. Nhất là trong hoàn cảnh ngân hàng không còn khả năng trả tiền cho khách hàng thì bắt buộc các tổ chức tín dụng phải tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiết kiệm.
     
    Bảo hiểm tiền gửi là gì?
     
    Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 giải thích bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
     
    Trong đó, các đối tượng tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm:
     
    - Người được bảo hiểm tiền gửi: Là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
     
    - Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: Là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
     
    - Tổ chức bảo hiểm tiền gửi: Là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
     
    Trách nhiệm tham gia bảo hiểm tiền gửi của ngân hàng
     
    Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
     
    Qua đó, bảo vệ tiền gửi cũng như tạo dựng niềm tin của khách hàng thông qua việc tham gia bảo hiểm tiền, giảm thiểu được hậu quả của các rủi ro không đáng có.
     
    Lưu ý: Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi vì đây là ngân hàng thuộc sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
     
    Cũng giống như một số vụ việc tương tự xảy ra trước đây, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rất mạnh mẽ và rõ ràng là sẽ dùng mọi biện pháp, Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
     
    Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
     
    Do đó, người dân nên hết sức bình tĩnh vì nếu rút tiền gửi trước hạn sẽ rất thiệt thòi, không những thế còn gây thêm phần khó khăn, nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng, Điều này được quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
     
    Ngân hàng phá sản tiền gửi khách hàng có được trả?
     
    Cụ thể, tại khoản 2 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
     
    Theo đó, khi ngân hàng có nguy cơ mất, mất khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
     
    Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại khác sẽ cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. 
     
    Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ.
     
    Ngoài ra, cũng khác với các doanh nghiệp thông thường, điều 99 Luật Phá sản 2014 cũng quy định mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì sẽ ưu tiên chi trả theo thủ tục phá sản.  
     
    Trong trường hợp nếu ngân hàng có bị phá sản, thì khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước theo thứ tự ưu tiên phá sản được quy định tại Điều 101 Luật Phá sản 2014.
     
    Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm tiền gửi
     
    Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào bảo hiểm tiền gửi cũng có thể đảm bảo toàn bộ các khoản tiền được gửi đều có thể chi trả bồi hoàn cho khách hàng. Theo quy định hiện hành thì tại Điều 18 và Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định 02 trường hợp tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm bao gồm:
     
    (1) Tiền gửi được bảo hiểm: Là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
     
    (2) Tiền gửi không được bảo hiểm:
     
    - Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
     
    - Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
     
    - Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
     
    Như vậy, chỉ tiền gửi đối với các cá nhân khi là thành viên, cổ đông của ngân hàng mới không được bảo hiểm chi trả, còn đối với tiền gửi của khách hàng thông thường vẫn được chi trả. Vì vậy, người dân có thể hoàn toàn yên tâm với số tiền gửi tiết kiệm của mình, vì không những có bên bảo hiểm mà còn có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm số tiền đó dù trong bất kỳ trường hợp nào.
     
    798 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (11/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận