Vừa qua, ngày 23/8 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trước tình hình gia tăng của loại tội phạm này thì việc tổ chức phiên giải trình là để nắm bắt và có định hướng phòng chống tội phạm này.
Một vài số liệu được đưa ra tại phiên giải trình về con số của tội phạm mua bán người diễn ra tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Loại tội phạm này chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm 85% số vụ mua bán người), tập trung qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào. Trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga bằng đường bộ, đường không và đường biển.
Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Đã kết luận điều tra, chuyển VKSND các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Như vậy, với những con số ghi nhận cụ thể thì có thể thấy tình hình tội phạm này diễn ra hết sức phức tạp, cụ thể là tập trung tại các khu vực biên giới giữa VN với Trung Quốc, Lào và một số quốc gia khác. Đối tượng vẫn là phụ nữ và trẻ em, thuộc nhóm nạn nhân ở phái yếu nên dễ bị lợi dụng và trục lợi. Đặc điểm chung hơn thì nó vẫn diễn ra tại khu vực những nơi nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nơi ít được tiếp cận với pháp luật và còn nhiều hạn chế.
Có thể thấy, giái đoạn trước và gần đây đều vẫn khoanh vùng được các nhóm hành vi, đối tượng. Thực tế hiện nay thì nó còn mở rộng diện hành vi thông qua các kênh xã hội như facebook, zalo… nhưng kênh thông tin mà đa phần người dân tiếp cận sử dụng. Thủ đoạn gạ gẫm, làm quen và gặp mặt được diễn ra và từ đó chúng có cơ hội thực hiện hành vi của mình.
Chính vì sự xâm lấn và ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn nên cơ quan quản lý phải bao quát tất cả, từ thực tế tại địa phương đến các trang mạng xã hội thông tin để kịp thời phát hiện và triệt phá các đường dây có tính quy mô lớn, hoạt động núp bóng để mua bán người. Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017):
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
27. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 150 như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Do đó, chế tài hành vi mua bán người đã có nhưng chưa đủ để răn đe đến loại tội phạm này, phía cơ quan chức năng cần tăng cương và đẩy mạnh công tác trấn áp loại tội phạm này.
(Nguồn: tiengchuong.vn)