Báo chí và trang thông tin điện tử là các trang cung cấp thông tin chính thống, nếu các báo và trang thông tin điện tử này đăng tin sai sự thật hoặc sai phạm vi trong giấy phép thì bị xử lý thế nào?
(1) Báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp là gì?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 20 Điều 3 Luật Báo chí 2016, báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp được định nghĩa như sau:
- Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
- Trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, có thể hiểu, báo chí là sản phẩm tự sản xuất, sáng tạo nội dung mới và có tính chất định kỳ. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp chủ yếu là sản phẩm tổng hợp, không tự sản xuất nội dung mà dựa vào các nguồn tin khác.
Các bài đăng trong báo chí nhằm mục đích cung cấp thông tin mới, phân tích và bình luận về các sự kiện xã hội. Trong khi đó bài đăng tại trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm mục đích cung cấp thông tin một cách tổng quát và dễ tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có những đặc điểm và chức năng khác nhau nhưng cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng.
(2) Mức xử phạt đối với báo chí đăng tin sai sự thật
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng;
- Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin;
- Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Đăng, phát ý kiến phản hồi không thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Báo chí hoặc đăng, phát không đúng thời điểm theo quy định tại khoản 2 Điều 43 và khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.
Nếu việc đăng tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, báo chí sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 100.000.000 đồng.
Mức phạt tiền cao nhất đối với cách hành vi vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san là từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng sẽ được áp dụng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
- Đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
- Đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
- Đăng, phát thông tin có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm l khoản 3 và điểm đ khoản 5 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, cơ quan báo chí vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục như phải cải chính, xin lỗi và gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng.
(3) Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trong Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, trang thông tin điện tử tổng hợp có hành vi hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao hoặc thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép xuất bản bản tin, đặc san sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với hành vi hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao, trang thông tin điện tử còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 06 tháng.