Báo cáo viên pháp luật là ai? Sinh viên Luật muốn trở thành báo cáo viên cần đáp ứng điều kiện gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về tiêu chuẩn trở thành báo cáo viên.
Báo cáo viên có thể hiểu là vị trí chuyên thực hiện các công việc tuyên truyền, truyền đạt thông tin qua giảng dạy, thuyết trình để đảm bảo các thông tin quan trọng được thông báo một cách đầy đủ cho các cư dân sinh sống ở một địa phương.
(1) Báo cáo viên pháp luật là ai?
Báo cáo viên pháp luật như là những “cầu nối” mang pháp luật đến gần với người dân ở từng địa bạn trên toàn quốc. Đối với sinh viên Luật, việc trở thành báo cáo viên không chỉ là cơ hội học hỏi, mà còn là bước đệm quan trọng trong sự nghiệp pháp lý.
Đối với báo cáo viên pháp luật theo khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định như sau:
Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Như vậy, báo cáo viên pháp luật là một chức danh quan trọng trong hệ thống pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo luật, chuyên phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cư dân trên địa bàn địa phương.
(2) Sinh viên Luật muốn trở thành báo cáo viên cần đáp ứng điều kiện gì?
Để trở thành báo cáo viên pháp luật, sinh viên Luật cần đáp ứng một số điều kiện về học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm theo quy định của pháp luật. Những điều kiện này giúp đảm bảo rằng sinh viên Luật có đủ năng lực và phẩm chất để thực hiện tốt vai trò của mình.
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về tiêu chuẩn trở thành báo cáo viên pháp luật như sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác.
- Có khả năng truyền đạt.
- Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm
Trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.
Như vậy, để trở thành báo cáo viên, sinh viên Luật phải đáp ứng các phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm làm việc.
Bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, sinh viên Luật có thể tham khảo thêm một số kĩ năng sau đây để có thể trở thành báo cáo viên:
- Kiến thức chuyên sâu: Ngoài kiến thức cơ bản về luật, sinh viên cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình muốn giảng dạy hoặc báo cáo.
- Kỹ năng giảng dạy và thuyết trình:
+ Kỹ năng giao tiếp: Khả năng giao tiếp tốt là yếu tố quan trọng giúp báo cáo viên truyền đạt thông tin hiệu quả.
+ Kỹ năng thuyết trình: Kỹ năng thuyết trình trước đám đông là điều kiện cần thiết. Sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này qua các khóa học, hội thảo, hoặc thực hành tại trường.
- Đạo đức nghề nghiệp:
+ Tính trung thực và khách quan: Báo cáo viên phải luôn trung thực và khách quan trong việc trình bày thông tin.
+ Trách nhiệm: Báo cáo viên phải có trách nhiệm với công việc của mình, đảm bảo thông tin truyền đạt chính xác và có ích.
(3) Quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật
Căn cứ theo Điều 36 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 đề cập đến quyền và nghĩa vụ của báo viên pháp luật như sau:
- Báo cáo viên pháp luật có các quyền sau đây:
+ Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác.
+ Hằng năm, báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do mình thực hiện với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
Như vậy, khi trở thành báo viên pháp luật phải đáp ứng các quy định về quyền và nghĩa vụ. Trường hợp có những hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên pháp luật thì sẽ bị theo Điều 49 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Tóm lại, báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Sinh viên Luật muốn trở thành báo cáo viên pháp luật cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc cũng như phẩm chất đạo đức.