Liên quan đến giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính, nhiều người vẫn thắc mắc về giá trị sử dụng của bản sao. Thực tế, nhiều trường hợp nộp bản sao đã được chứng thực quá 3 hoặc 6 tháng thì không được đơn vị tuyển dụng chấp nhận. Vậy thực hư vấn đề này ra sao?
Quy định hiện hành: Khoản 1, 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch
"... Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác..."
Điều 77 Luật công chứng 2014 quy định:
Điều 77. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên
1. Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.
2. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Đồng thời, pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực hay được cấp từ sổ gốc.
Xét dưới góc độ thực tiễn, cần có quy định cụ thể để phù hợp với thực tế rằng:
- Bản sao “vô hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có giá trị vô hạn (bảng điểm, bằng cử nhân, kỹ sư…) thì bản sao có giá trị pháp lý vô hạn. Vì với các loại văn bằng, chứng chỉ về cơ bản thì sẽ không thay đổi đối với người được cấp, kể cả khi họ đã chết.
- Bản sao “hữu hạn”: Là bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn (chứng minh nhân dân…) thì bản sao chỉ có giá trị trong thời hạn bản gốc còn giá trị.bởi những loại giấy tờ đó có thể thay đổi sau một thời gian
Theo mình, việc quy định thời hạn của bản sao cần phù hợp với từng loại cụ thể để phù hợp với cuộc sống và quy định của pháp luật.