Bản án số: 80/2008/KDTM-PT ngày 07 tháng 4 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

Chủ đề   RSS   
  • #263822 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án số: 80/2008/KDTM-PT ngày 07 tháng 4 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Số hiệu

    80/2008/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Bản án số:80/2008/KDTM-PT ngày 07 tháng 4 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Ngày ban hành

    07/04/2008

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    ÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:80/2008/KDTM-PT

    Ngày 07/4/2008

    V/v: tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty.

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------TH/7

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Thế Linh;

    Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Đức Nhận;

    Ông Nguyễn Lương Thuận.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Dương Thị Sen, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 07 tháng 4 năm 2008, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số54/2007/KDTM-PT ngày 13 tháng 9 năm 2007 đối với các bên đương sự.

    *Nguyên đơn:

    1- Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14; trụ sở: số 35 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

    Người đại diện theo ủy quyền: ông Hồ Quang Dũng – phó Tổng giám đốc; có mặt.

    2- Nguyễn Mạnh Cường; trú quán: 126/60 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội; có mặt.

    3- Vũ Văn Chỉ; trú quán: Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội; có mặt.

    4- Nguyễn Văn Khúc; trú quán: phòng 5 A3, tập thể giao thông vận tải, Ngọc Khánh, Hà Nội; có mặt.

    5- Nguyễn Minh Tự; trú quán: Phòng 501 K1 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội; có mặt.

    6- Phạm Thị Bích Liên; trú quán: 24 ngõ 4 Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội; vắng mặt nhưng có giấy ủy quyền cho ông Dũng đại diện; có mặt.

    Bị đơn:

    1- Ông Tạ Huy Hằng – Giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân; địa chỉ Công ty: 35 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; có mặt.

    2- Ông Đỗ Đình Lập – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân; trú quán: số 29 lô 2 hồ Atake, phường Thanh Lương, Hà Nội; vắng mặt, ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền – ông Quyền vắng mặt.

    - Luật sự Nguyễn Thị Minh Châu bảo vệ cho ông Lập – vắng mặt.

    Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

    1- Bà Bùi Thị Thanh Hà; trú quán: 53 Nguyễn Thái Học, Hà Nội – vắng mặt; ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền – ông Quyền vắng mặt.

    2- Ông Đỗ Đình Lập; trú quán: số 29 lô 2 hồ Atake, phường Thanh Lương, Hà Nội; vắng mặt; ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền – ông Quyền vắng mặt.

    3- Bà Lê Thị Minh Nguyệt; trú quán 121/48/5 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội; vắng mặt; ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền – ông Quyền vắng mặt.

    4- Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn; trụ sở: 415 đường Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội.

    Đại diện: ông Nguyễn Nhâm – Giám đốc; có mặt.

    5- Ông Lê Huy Cẩm; trú quán: số 22, ngách 518/6 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; có mặt - ủy quyền cho ông Nguyễn Sơn Hải – ông Hải có mặt.

    Luật sư ông Ngô Trọng Đức, đoàn luật sư Hà Nội bảo vệ cho ông Cẩm; có mặt.

    6- Ông Tạ Huy Hằng; trú quán: số 19 ngõ 167 đường Giải Phóng, Hà Nội.

    7- Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân; trụ sở: 35 Nguyễn Huy Tưởng.

    Đại diện: Ông Tạ Huy Hằng – Chức vụ Giám đốc – có mặt.

    Ông Nguyễn Văn Huy – Chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị - vắng mặt.

    NHẬN THẤY

    Theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

    Theo đồng các nguyên đơn, bao gồm: Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14Nguyễn Mạnh Cường, Vũ Văn Chỉ, Nguyễn Văn Khúc, Nguyễn Minh Tự, Phạm Thị Bích Liên đã trình bày:

    Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân được thành lập trên cơ sở tách ra từ một bộ phận của Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 theo Quyết định số2937/1999/QĐ-BGTVT ngày 23/10/1999 của Bộ Giao thông vận tải. Năm 2004 vốn điều lệ Công ty là 5,5 tỷ đồng. Do yêu cầu phát triển nên Đại hội đồng cổ đông lần 4 tổ chức ngày 21/4/2004 đã ra quyết định tăng vốn điều lệ Công ty từ 5,5 tỷ đồng lê 8 tỷ đồng, tương ứng phát hành thêm 25.000 cổ phần.

    Quá trình triển khai bán 25.000 cổ phần đã vi phạm những quy định của Điều lệ Công ty luật Doanh nghiệp như sau:

    - Ông Tạ Huy Hằng là giám đốc điều hành được Hội đồng quản trị giao việc triển khai bán cổ phần đã tự ý họp một số cán bộ chủ chốt vào ngày 29/12/2004 phổ biến việc bán cổ phiếu nhưng không thông báo tới 134 cổ đông của Công ty.

    - Theo quy định tại Điều 70 Luật Doanh nghiệp năm 1999, Điều 14.2.1 Điều lệ công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân quy định việc quyết định loại cổ phần và số lượng cổ phần mỗi loại chào bán thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông chứ không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị và giám đốc. Nghị quyết ngày 21/4/2004 Đại hội đồng cổ đông thường niên chỉ quyết định tăng vốn điều lệ từ 5,5 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng mà chưa quyết định loại cổ phần và số lượng cổ phần chào bán.

    - Trong biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty không ghi bán cổ phần cho ai, số lượng được mua là bao nhiêu. Đơn mua chỉ có chữ ký của ông Tạ Huy Hằng và ký duyệt bán của ông Đỗ Đình Lập, thậm chí còn bán 1 tỷ đồng cổ phần cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn trước cả ngày thông báo của ông Hằng.

    - Việc bán 25.000 cổ phần của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân do ông Hằng, ông Lập cùng một số cán bộ có chức vụ móc nối, bàn bạc với một số người bên ngoài để trục lợi, làm thiệt hại cho Công ty, cụ thể:

    + Ngày 29/12/2004 mới họp phổ biến chủ trương bán cổ phần nhưng trong số 10 người nộp đơn đăng ký mua thì 08 người nộp đơn đăng ký trước ngày 29/12/2004.

    + Thời hạn cho đăng ký từ 29/12/2004 đến ngày 04/01/2005 quá ngắn với mục đích làm cho các cổ đông gặp khó khăn dù có biết cũng không thể chuẩn bị tiền mua, nhất là cổ đông lớn như Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14.

    + Điều 61.1 Luật Doanh nghiệp quy định giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán. Việc bán một số lượng lớn cổ phần cho người ngoài Công ty với giá bằng mệnh giá gốc 100.000 đồng/cổ phiếu đã vi phạm nguyên tắc và trực tiếp làm lợi cho người ngoài Công ty, xâm hại lợi ích của cổ đông và Công ty.

    Tại văn bản số2250/CĐBVN-TCCB ngày 19/7/2006, Cục đường bộ Việt Nam, cơ quan chủ quản của Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 khẳng định việc triển khai bán 25.000 cổ phần của giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân là sai với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty. Yêu cầu giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân triệu tập Đại hội đồng cổ đông để hủy bỏ kết quả bán 25.000 cổ phần, kiểm điểm những cá nhân, tập thể liên quan đến khuyết điểm sai phạm trên theo đúng quy định của Điều lệ.

    Đồng các nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết hủy bỏ kết quả bán 25.000 cổ phần năm 2004-2005.

    Bị đơn, ông Tạ Huy Hằng và ông Đỗ Đình Lập ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền trình bày:

    a- Việc phát hành cổ phiếu:

    - Việc Chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty cho phát hành cổ phiếu vào cuối tháng 12/2004, đầu tháng 01/2005 là thực hiện Nghị quyết số 04/HĐQT ngày 21/4/2004 của Đại hội đồng cổ đông và Nghị quyết số 07/HĐQT ngày 27/12/2004 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.

    - Việc phát hành cổ phiếu, Giám đốc Công ty chỉ có thông báo bằng văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Công ty và niêm yết tại trụ sở Công ty. Việc không gửi cho từng cổ đông là không đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty.

    - Do chủ trương phát hành cổ phiếu có từ ngày 21/4/2004 và Hội đồng quản trị đã nhiều lần họp bàn về việc này nên nhiều cổ đông đã biết nên đã nộp đơn xin mua hoặc nộp tiền để đảm bảo việc mua trước khi có thông báo chính thức về việc phát hành cổ phiếu. Điều đó không trái với pháp luật và Điều lệ Công ty.

    - Mặc dù có một số sai sót trong quá trình chào bán cổ phiếu và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2004 đã có cổ đông là ông Tự đề nghị xem xét lại việc phát hành nhưng Đại hội đồng cổ đông vào năm trên vẫn ra Nghị quyết số 11/HĐQT ngày 07/4/2005.

    Tại báo cáo thẩm định báo cáo tài chính do ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng ban kiểm soát Công ty đọc trước Đại hội và được Đại hội thông qua ghi rõ: “Trong năm, Công ty phát hành thêm cổ phiếu theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2003 (nhầm)”. Đồng thời theo số liệu trong biểu mục ở mục 2 “về vốn chủ sở hữu” thì vốn của Công ty tại thời điểm đầu năm là 4,8 tỷ đồng (có dư), hiện có (thời điểm lập báo cáo ngày 25/3/2005) là 08 tỷ đồng.

    Trong Nghị quyết này, Đại hội đồng cổ đông cũng nhất trí thông qua báo cáo thay đổi nhân sự (Mục I, điểm 60). Tại đó thể hiện số cổ phần mới phát hành đã được chấp nhận, người sở hữu các cổ phần đó được tham gia biểu quyết: “Kết quả bầu cử: Ông Nguyễn Nhâm – số cổ phần 73.751/78.8582, đạt 93,85%, đã trúng cử vào Hội đồng quản trị”. Đồng thời thông qua báo cáo bổ sung và sửa đổi Điều lệ “Vốn điều lệ Công ty là 08 tỷ đồng”.

    Bằng việc thông qua những nội dung nói trên, Đại hội đồng cổ đông của Công ty đã công nhận kết quả bán 25.000 cổ phiếu, tuy có một số sai phạm trong việc phát hành.

    - Số cổ phần của các cổ đông mua đã được Công ty công nhận về mặt pháp lý, ghi vào sổ cổ đông hoặc thể hiện trên sổ sách của Công ty trong việc tính toán chia cổ tức cho các cổ đông.

    - Về giá cổ phần bằng mệnh giá cổ phiếu, các nguyên đơn cho rằng đã thấp hơn giá thực tế là thiếu căn cứ bởi lẽ do thị trường chứng khoán, hơn nữa Công ty cũng chưa đủ điều kiện để đăng ký tham gia thị trường chứng khoán. Vì vậy, về mặt pháp lý không có cơ sở để xác định giá cổ phiếu của Công ty trên sàn chứng khoán.

    Tại biên bản số 557/TCKT ngày 24/11/2002 về việc bàn giao vốn của Công ty vận tải hành khách số 14 cho Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân cũng thể hiện giá mua cổ phần bằng mệnh giá cổ phiếu. Trong biên bản có ghi Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 mua thêm cổ phiếu của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân bằng tiền mặt tương đương 285.808.602 đồng.

    b- Việc sử dụng số tiền mua cổ phiếu:

    - Việc sử dụng số tiền thu được 2,5 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu do Hội đồng quản trị quyết định, thể hiện:

    - Nghị quyết số 19/HĐQT ngày 10/8/2005 đầu tư nâng cấp 02 tầng nhà văn phòng; xác định kinh phí đầu tư, nguồn sử dụng là vốn cổ đông góp, nâng cấp đóng lại 02 vỏ xe.

    - Việc này đã được ông Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị khẳng định tại phiên hòa giải do Tòa án tiến hành.

    c- Việc sử dụng diện cổ đông với tư cách đại diện cho chủ sở hữu số cổ phần đã mua.

    Trong thời gian từ ngày 07/4/2005 tới nay, các cổ đông đã mua 25.000 cổ phần tham gia vào việc biểu quyết các công việc của Công ty với tư cách là người đại diện cho toàn bộ số vốn của mỗi người, gồm vốn góp trước đó và vốn mua số cổ phần nói trên. Riêng ông Nguyễn Nhâm còn được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị.

    d- Việc các cổ đông mua cổ phiếu biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2006.

    Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4/2006, các cổ đông mua số cổ phần này đã nhất trí không biểu quyết với tư cách chủ sở hữu số cổ phần đó. Điều này không có nghĩa với việc họ từ bỏ quyền sở hữu đối với số cổ phần này, vì:

    Tại Đại hội có nhiều ý kiến khác nhau về việc phát hành 25.000 cổ phần nên tới 10h30 vẫn chưa thống nhất được cách thức biểu quyết. Ông Nguyễn Văn Huy có phát biểu được ghi trong biên bản đại hội: “Nếu Đại hội tiếp tục tranh luận thì sẽ không thành công”.

    Các nội dung biểu quyết trong Đại hội chỉ là các vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty, không phải là tước bỏ quyền sở hữu của các cổ đông mua 25.000 cổ phần.

    Riêng vấn đề phát hành cổ phiếu, Đại hội giao cho Hội đồng quản trị “xác minh có kết luận đúng, sai sẽ thông báo cho toàn thể cổ đông được biết”.

    Vì vậy, với tư cách cổ đông, để đảm bảo sự thành công của Đại hội, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, những cổ đông này nhất trí không biểu quyết trên phần vốn này. Việc này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc các cổ đông này từ bỏ quyền sở hữu số cổ phần mà họ đã mua.

    e- Về việc một số cổ đông là nguyên đơn cho là bị mất quyền mua cổ phần.

    Vào thời điểm phát hành cổ phiếu, ông Đỗ Đình Lập là Giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân; ông Nguyễn Văn Huy – Phó giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 kiêm ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân; ông Nguyễn Mạnh Cường – kế toán trưởng Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 kiêm Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân, có sự tham gia của cả 3 người này nên không thể nói Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 không biết việc phát hành 25.000 cổ phần.

    Trên thực tế, Công ty cổ phần vận tải hành khách số 14 đang gặp khó khăn về tài chính và đã có nhiều văn bản gửi cơ quan chủ quản cho bán bớt một phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.

    Trong số các nguyên đơn khác thì chỉ có một số người có thể không biết việc phát hành cổ phiếu (ông Tự, bà Liên), còn một số cổ đông khác mặc nhiên biết điều này vì lúc đó đang giữ chức vụ lãnh đạo trong Công ty như ông Nguyễn Văn Khúc là phó giám đốc Công ty.

    Do đó, về vấn đề này chúng tôi có quan điểm là: Đối với các nguyên đơn mặc nhiên biết việc phát hành cổ phiếu mà không mua thì có nghĩa là họ đã từ chối quyền mua cổ phần; đối với các cổ đông chưa biết việc phát hành cổ phiếu, nay nếu họ có nhu cầu mua thì những cổ đông đã tham gia mua 25.000 cổ phần tự nguyện chuyển nhượng cho họ cổ phần mà họ được mua theo quy định của Điều lệ Công ty với giá ngang bằng với mệnh giá ghi trên cổ phiếu.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Hằng, ông Lập, bà Hà, bà Nguyệt do ông Quyền đại diện yêu cầu không hủy, ông Cầm yêu cầu không hủy. Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân trình bày nếu hủy sẽ hoàn trả tiền gốc và tính theo lãi suất không thời hạn của ngân hàng.

    Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 66/2007/KDTMST, ngày 05/6/2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã căn cứ điểm 1 khoản 1 Điều 29, Điều 131, 245 Bộ luật tố tụng dân sự; căn cứ các Điều 53, 61, 70, 77 Luật Doanh nghiệp, Điều 13.4 Điều lệ Công ty, quyết định:

    1- Xử chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn.

    2- Hủy kết quả bán 25.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân do ông Tạ Huy Hằng, ông Đỗ Đình Lập tổ chức bán ngày 04/01/2005.

    3- Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân có trách nhiệm thanh toán cho ông Lập 200 triệu đồng và 15 triệu đồng tiền lãi, ông Hằng 300 triệu đồng và 22.500.000 đồng tiền lãi, bà Hà 400 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền lãi, ông Cẩm 400 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền lãi, bà Nguyệt 200 triệu đồng và 15 triệu đồng tiền lãi, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và thiết bị hàn 01 tỷ đồng và 75 triệu đồng tiền lãi.

    4- Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, bị đơn và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Đình Lập kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan – bà Bùi Thị Thanh Hà kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền l���i, nghĩa vụ liên quan – bà Lê Minh Nguyệt kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Lê Huy Cẩm kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – ông Tạ Huy Hằng kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Ngày 14 tháng 6 năm 2007, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

    Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, nghe các luật sư và các đương sự trình bày; qua việc hỏi công khai và kết quả tranh luận tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án,

    XÉT THẤY

    Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm này, ông Nguyễn Thế Quyền, đại diện được ủy quyền của ông Đỗ Đình Lập, bà Bùi Thị Thanh Hà và bà Lê Minh Nguyệt có đơn xin hoãn phiên tòa. Đơn này có những điểm không phù hợp về mặt thời gian so với thời điểm mở phiên tòa phúc thẩm ngày 07/4/2008, mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/3/2008, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hoãn phiên tòa với lý do Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn, vào ngày 12/3/2008 đã rút lại giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Quyền, thay mặt Công ty tham gia tố tụng và ủy quyền cho ông Dương Mạnh Hùng, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Tuyết Nhung thay mặt Công ty tham gia tố tụng. Ông Hùng đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đã trực tiếp giao giấy triệu tập, Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cho các đương sự có mặt tại phiên tòa này, trong đó có đại diện được ủy quyền, đồng thời giao giấy mở phiên tòa ngày 07/4/2008 cho các Luật sư. Tại đơn xin hoãn phiên tòa đề ngày 08/4/2008, đại diện được ủy quyền xin hoãn phiên tòa với lý do công tác đột xuất, đồng thời cho rằng đây là vụ án phức tạp nên cần phải tiếp tục làm sáng tỏ trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Đại diện được ủy quyền cho ông Đỗ Đình Lập cũng cho rằng ở những phiên tòa phúc thẩm đã hoãn luôn có mặt đầy đủ nên lần xin hoãn này là lần đầu. Xét, tại các phiên tòa phúc thẩm đã hoãn, đại diện được ủy quyền cho ông Lập đều xác nhận ông Lập đã được nhận giấy triệu tập nhưng vì nhận thức, quan điểm của mình nên ông Lập không tham gia và ủy quyền cho đại diện ủy quyền tham gia. Vì vậy, lý do hoãn phiên tòa này mà đại diện được ủy quyền viện dẫn khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự là không có căn cứ. Mặt khác, bà Hà và bà Nguyệt tại hai phiên tòa khác nhau đã xin hoãn phiên tòa phúc thẩm và đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Về lý do cần làm rõ trong quá trình hỏi và tranh luận thì thấy, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/2/2008, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã giành trọn một ngày để tiến hành hỏi và tranh luận, các bên đương sự, các luật sư đã trình bày toàn bộ quan điểm của mình, có hỏi đáp và đối chất với nhau về toàn bộ các vấn đề đang tranh chấp giữa các bên đương sự. Khi không có ý kiến nào khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm mới kết thúc phần tranh luận để nghị án. Để đảm bảo về tố tụng, Hội đồng xét xử phúc thẩm vào sáng ngày 20/02/2008 đã phải hoãn phiên tòa. Vì vậy, lý do hoãn phiên tòa để làm rõ thêm nội dung là không có căn cứ để chấp nhận.

    Như đã nêu ở trên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/3/2008, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, bảo vệ quyền lợi cho ông Lập đã nhận được giấy do Hội đồng xét xử phúc thẩm gửi trực tiếp. Tuy nhiên, khi khai mạc phiên tòa ngày 07/4/2008 Luật sư không có mặt. Tại phần hỏi công khai, Luật sư có mặt và đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm thông báo tại phần thủ tục phiên tòa. Luật sư đề nghị cho hoãn phiên tòa với lý do đại diện được ủy quyền của ông Lập, bà Hà và bà Nguyệt vắng mặt. Luật sư cũng cho rằng việc thay đổi Hội đồng xét xử phúc thẩm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (thay thẩm phán Nguyễn Huy Chương bằng thẩm phán Nguyễn Đức Nhận) phải được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Xét đề nghị của Luật sư Châu, ngoài lý do không chấp nhận hoãn phiên tòa như đã nêu ở trên, thì thấy theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự, tại phiên tòa ngày 07/4/2008, các đương sự có mặt đều chấp nhận việc thay đổi Thẩm phán trên. Ông Nguyễn Nhâm, đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn, lúc đầu cũng đề nghị hoãn phiên tòa với lý do thay đổi thẩm phán nhưng sau đó chấp nhận sự thay đổi này và đề nghị xét xử. Với diễn biến tại phiên tòa, sau khi hội ý, Hội đồng xét xử phúc thẩm Quyết định vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

    Với những phân tích trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông Đỗ Đình Lập, bà Bùi Thị Thanh Hà và bà Lê Minh Nguyệt. Các quyết định của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 66 ngày 05/6/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có liên quan đến ông, bà nêu trên đã có hiệu lực pháp luật.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Tạ Huy Hằng, ông Lê Huy Cẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, theo đó đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 66/2007/KDTMST ngày 05/6/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với lập luận các đồng nguyên đơn đã khởi kiện sai đối tượng bởi các cá nhân là ông Hằng, ông Lập không đứng ra chào bán 25.000 cổ phần mà là do Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân tổ chức chào bán theo Nghị quyết số 11 ngày 07/4/2005. Nghị quyết này đã thể hiện việc thực hiện bán số cổ phần trên theo chủ trương được nêu trong Nghị quyết số 04 ngày 21/4/2004 của Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty. Căn cứ quy định tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì thời hiệu khởi kiện đối với Nghị quyết số 11 nêu trên đã hết. Các đương sự có mặt tại phiên tòa vẫn giữ nguyên nội dung đã trình bày tại phiên tòa ngày 19/02/2008. Tại phiên tòa, bị đơn và người liên quan, Luật sư Đức, ông Nguyễn Sơn Hải đề nghị xem xét quan điểm của Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đỗ Đình Lập đã trình bày ở phiên tòa ngày 19/02/2008 và đồng tình với quan điểm này của Luật sư Châu, theo đó thì Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án này đã có những vi phạm về tố tụng và về nội dung. Về tố tụng, cùng một quan hệ pháp luật đang tranh chấp, với những người tham gia tố tụng như nhau nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại thụ lý và giải quyết bằng hai vụ án khác nhau là không đúng, kết quả giải quyết là mâu thuẫn nhau, vi phạm Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự; việc xác định ông Hằng, ông Lập là bị đơn là không đúng; nếu theo Nghị quyết số 11 ngày 07/4/2005 của Đại hội đồng cổ đông Công ty thì việc các nguyên đơn khởi kiện đã hết thời hiệu, sau thời hạn 90 ngày, các cổ đông Công ty đã đồng ý, không phản đối, 25.000 cổ phần đã bán xong, tăng vốn điều lệ của Công ty nên Nghị quyết này đang có hiệu lực. Theo quan điểm của Luật sư Châu tại phiên tòa ngày 19/02/2008 thì lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự để trả lại đơn kiện cho các nguyên đơn mới đúng. Ngoài ra, quan điểm của Luật sư Châu còn cho rằng việc bán 25.000 cổ phần hoàn toàn phù hợp với việc sửa Điều lệ và thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty, Tòa án cấp sơ thẩm hủy bỏ kết quả bán 25.000 cổ phần là can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của Công ty; việc hủy kết quả bán 25.000 cổ phần, trả lại tiền gốc mua và lãi suất cho các cổ đông đã mua là không đúng vì sự việc đã diễn ra khoảng 3 năm nên cần phải định giá tài sản hiện nay của Công ty, từ đó đánh giá giá trị cổ phần để trả lại cho cổ đông đã mua. Về nội dung, theo quan điểm của Luật sư Châu tại phiên tòa ngày 19/02/2008 thì các nguyên đơn kiện là không đúng vì đa số nguyên đơn đã có chức vụ trong Công ty, đã tham gia tích cực vào hoạt động của Công ty, biết rõ Công ty chào bán cổ phần nhưng không có nhu cầu mua, đồng thời sau đó cũng không phản đối bằng văn bản; khi Công ty chào bán cổ phần, không thông báo đến từng cổ đông nhưng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì đây không phải là quy định bắt buộc, mặt khác việc bán 25.000 cổ phần đã được Công ty thực hiện đúng trình tự, Điều 53 Luật Doanh nghiệp 1999 không khống chế người ngoài Công ty mua bởi thực tế cổ đông Công ty không có nhu cầu mua thì được phép bán ra ngoài. Ngoài ra, số tiền bán cổ phiếu, Công ty đã sử dụng có hiệu quả, mang lại lợi nhuận. Việc Tòa án cấp sơ thẩm hủy kết quả bán 25.000 cổ phần đã gây xáo trộn trong Công ty, ảnh hưởng quyền lợi của những cổ đông đã mua cổ phần, uy tín kinh doanh của Công ty và gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động đang làm việc trong công ty. Với những phân tích về tố tụng và nội dung nêu trên, theo quan điểm của Luật sư Châu tại phiên tòa ngày 19/02/2008 đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm thu thập thêm chứng cứ để giải quyết lại vụ án.

    Luật sư Ngô Trọng Đức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Lê Huy Cẩm thì một mặt chia sẻ và đồng tình với phần trình bày của Luật sư Châu như đã nêu trên, đồng thời nhấn mạnh việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là mua bán cổ phiếu là không chính xác vì không làm rõ được người mua, người bán, xác định bị đơn gồm ông Hằng, ông Lập là không đúng. Sau khi trình bày chu trình bán 25.000 cổ phần của Công ty, Luật sư Đức cho rằng cổ đông Cẩm đã mua cổ phần, được Nghị quyết số 11 ngày 07/4/2005 của Công ty thừa nhận, có tên trong sổ cổ đông Công ty. Từ lập luận trên Luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

    Các đồng nguyên đơn xác nhận sau khi xét xử sơ thẩm không có kháng cáo và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm với lập luận dù suy diễn, phân tích như thế nào thì những đương sự có kháng cáo cũng phải thừa nhận việc chào bán 25.000 cổ phần là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Điều lệ của Công ty. Đồng thời cho rằng việc tăng vốn điều lệ của Công ty không đồng nghĩa với việc bán cổ phiếu, cũng như ở thời điểm này có thể có nhu cầu bán cổ phần nhưng ở thời điểm khác có nhu cầu mua cổ phần theo đúng quyền của cổ đông đã được pháp luật quy định.

    Xét kháng cáo của các đương sự đồng thời đánh giá quan điểm của các Luật sư, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy như sau:

    1- Về nội dung: Theo quy định tại Điều 70, Điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 1999 và theo Điều 14.2.1 Điều lệ của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân thì thẩm quyền quyết định việc chào bán loại cổ phần, số lượng cổ phần của từng loại là của Đại hội đồng cổ đông Công ty. Theo khoản 1 Điều 61; điểm b khoản 2 Điều 80 Luật doanh nghiệp năm 1999 thì Hội đồng quản trị Công ty chỉ có quyền quyết định giá chào bán cổ phần. Đối với cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại thì Hội đồng quản trị của Công ty chỉ có quyền kiến nghị. Theo hồ sơ vụ án và lời trình bày của ông Hằng, giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty tại phiên tòa này thì hàng năm, Công ty họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Các Nghị quyết ngày 21/4/2004, ngày 07/4/2005 và ngày 28/4/2006 không đề cập đến việc chào bán loại cổ phần, số lượng cổ phần của từng loại. Các đương sự có kháng cáo và lời trình bày của các Luật sư, sau khi dẫn ra các văn bản do giám đốc Công ty đã ban hành để cho rằng việc bán 25.000 cổ phần là đúng trình tự, Hội đồng quản trị của Công ty nhận ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông, từ đó giao trách nhiệm cho Giám đốc Công ty triển khai bán 25.000 cổ phần là không phù hợp với thẩm quyền đã được Luật Doanh nghiệp quy định như đã nêu ở trên. Việc các đương sự có kháng cáo và quan điểm của Luật sư cho rằng Nghị quyết số 11 ngày 07/4/2005 đã quyết định việc chào bán 25.000 cổ phần là không đúng vì một mặt như đã phân tích ở trên và mặt khác tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty vào ngày trên, trong chương trình của Đại hội không có nội dung bàn về số lượng của từng loại, cũng như loại cổ phần sẽ được đưa ra thảo luận và quyết nghị. Mặt khác, cũng trong Đại hội này đã có ý kiến của cổ đông nêu ra việc chào bán 25.000 cổ phần được thực hiện vào cuối năm 2004, đầu năm 2005 của Công ty là không phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty nhưng Đại hội không xem xét yêu cầu này. Hơn nữa, đến Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/4/2006 thì chính các cổ đông đã mua 25.000 cổ phần cũng không đồng ý tham gia biểu quyết theo số cổ phần mới mà mình trước đó đã mua, nghĩa là những nội dung có liên quan đến việc chào bán loại cổ phần, số lượng cổ phần của từng loại chưa được các Đại hội đồng thường niên của Công ty đưa vào nội dung nghị sự để giải quyết. Chính vì có ý kiến của cổ đông về vấn đề này chưa được Đại hội cổ đông thường niên của Công ty quyết định nên vào ngày 09/11/2006 Công ty mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để giải quyết. Sau khi Đại hội ban hành Nghị quyết số 186 vào ngày trên, các đương sự mới khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với yêu cầu khởi kiện khác nhau.

    Như vậy, xét theo trình tự thời gian, nội dung của các Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường của Công ty thì nội dung liên quan đến việc chào bán 25.000 cổ phần do Hội đồng quản trị và giám đốc Công ty thực hiện chính thức được Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 09/11/2006 giải quyết. Đối chiếu với đơn khởi kiện của các đồng nguyên đơn trong vụ án này thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Kháng cáo của các đương sự, cũng như quan điểm của các Luật sư không được chấp nhận.

    Về việc cho rằng đa số các đồng nguyên đơn đã biết việc chào bán cổ phần nhưng không có nhu cầu mua, cũng như không nhất thiết phải thông báo việc bán cổ phần đến từng cổ đông của Công ty thì thấy theo quy định tại điểm 1.c Điều 53 Luật Doanh nghiệp 1999 và Điều 13.4 Điều lệ Công ty thì các cổ đông phổ thông được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong Công ty, theo đó đây là quyền các cổ đông được hưởng. Việc không thông báo đến từng cổ đông của Công ty mà chỉ thông báo đến các đơn vị trực thuộc của Công ty đã làm ảnh hưởng đến quyền được mua cổ phần mới chào bán của Công ty đối với các cổ đông, đặc biệt là những cổ đông trước đây đã làm việc ở công ty nhưng theo chế độ, chính sách không có mặt tại Công ty tại thời điểm quyết định chào bán cổ phần. Chính vì vậy, tại Điều 70, Điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 1999 mới quy định thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông của Công ty bởi tại Đại hội, toàn thể cổ đông được tham gia, thảo luận những vấn đề liên quan của Công ty, trong đó có việc quyết định việc chào bán loại cổ phần, số lượng cổ phần của từng loại. Với phân tích trên thì việc các đương sự có kháng cáo và quan điểm của các Luật sư cho rằng việc chào bán cổ phần là đúng trình tự là không phù hợp.

    Về việc cho rằng giá trị 25.000 cổ phần đã bán là phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Điều lệ của Công ty thì thấy việc tăng giảm vốn điều lệ của Công ty đã được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số02/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2000 về đăng ký kinh doanh, theo đó đây là trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của Công ty, không đồng nghĩa với việc do chào bán 25.000 cổ phần. Hơn nữa, việc chào bán cổ phần phải phù hợp với quy định liên quan của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xử hủy kết quả chào bán 25.000 cổ phần tuy có ảnh hưởng đến quyền lợi của những cổ đông đã mua nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi của các cổ đông về việc được mua cổ phần mới chào bán đã được pháp luật quy định và bản chất là thực hiện việc chào bán cổ phần phải phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Với phân tích trên thì việc các đương sự kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trả lại tiền gốc đã mua cổ phần và tiền lãi phát sinh không phù hợp và phải định giá lại giá trị tài sản còn lại của Công ty không có căn cứ để chấp nhận. Mặt khác, các giao dịch trên giữa các cổ đông đã mua với Công ty, do không phù hợp với quy định của pháp luật nên yêu cầu được định giá để trả bằng giá trị cổ phần tại thời điểm định giá là thiếu cơ sở.

    2- Về tố tụng:

    Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự có quyền quyết định và tự định đoạt của mình. Tại đơn khởi kiện ngày 30/11/2006 nguyên đơn gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn, bà Bùi Thị Thanh Hà và ông Lê Huy Cẩm đã kiện với hai nội dung: Hủy Nghị quyết số 186 ngày 09/11/2006 của Đại hội đồng cổ đông bất thường và công nhận kết quả chào bán cổ phần do Công ty tiến hành. Đến ngày 29/3/2007, các đồng nguyên đơn trong vụ án trên đã rút yêu cầu đòi công nhận kết quả chào bán cổ phần. Đây là ý chí tự nguyện và quyền định đoạt của các đương sự phù hợp với quy định của pháp luật. Ở thời điểm đó, Tòa án cấp sơ thẩm cũng nhận được đơn khởi kiện của các đồng nguyên đơn trong vụ án này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết 02 vụ án là phù hợp với Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự, không vi phạm tố tụng bởi lẽ nguyên đơn, số lượng nguyên đơn, nội dung khởi kiện là khác nhau. Yêu cầu khởi kiện của bà Hà, ông Cẩm và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn đã được chấp nhận do trình tự biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty không phù hợp với Điều 103 Bộ luật dân sự năm 1999. Tại bản án sơ thẩm số 66 ngày 05/6/2007, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định nội dung hoàn toàn khác vói khởi kiện của ông, bà và Công ty có tên trên.

    Về việc xác định sai tư cách của bị đơn là ông Hằng, ông Lập thì thấy tại Điều 80, Điều 81 và Điều 82 của Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định về Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cuộc họp Hội đồng quản trị và sự liên quan của Hội đồng quản trị Công ty mà ông Lập là Chủ tịch Hội đồng quản trị trong việc quyết định chào bán 25.000 cổ phần thì hoạt động của ông Lập với tư cách trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông không được mua cổ phần mới chào bán nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Lập là bị đơn là đúng, thiếu sót là không ghi chức danh của ông Lập trong Công ty. Đối với ông Hằng, theo Điều lệ và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty là người đại diện theo pháp luật, thay mặt Công ty đứng ra chào bán cổ phần theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là phù hợp với quy định của pháp luật. Lẽ ra khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm phải xác định Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân là bị đơn mới đúng và xác định cá nhân ông Hằng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do là cổ đông tham gia mua cổ phần chào bán. Tuy việc xác định sai tư cách tố tụng như đã nêu trên nhưng nội dung giải quyết vụ án này là phù hợp với quy định của pháp luật nên chỉ cần rút kinh nghiệm về tố tụng.

    - Về đối tượng khởi kiện, quan hệ pháp luật tranh chấp: theo hồ sơ vụ án, Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 3.5b Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đây là tranh chấp giữa các cổ đông trong Công ty với nhau do việc Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân tổ chức chào bán 25.000 cổ phần không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Đã có việc các cổ đông đã mua cổ phần mới chào bán thì yêu cầu giữ nguyên kết quả mua cổ phần, còn các cổ đông không được mua cổ phần thì yêu cầu hủy kết quả mua, đề nghị làm đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty để họ đăng ký mua. Đây chính là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của Công ty. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật trên để thụ lý, giải quyết là đúng.

    Tổng hợp các phân tích trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Tạ Huy Hằng, ông Lê Huy Cẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn, cũng như quan điểm của Luật sư.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 266; khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH

    Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông Đỗ Đình Lập, bà Bùi Thị Thanh Hà và bà Lê Minh Nguyệt.

    Áp dụng Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 53, Điều 61, Điều 70, Điều 77 và Điều 79 Luật Doanh nghiệp 1999, Điều 8, Điều 13.4 Điều lệ Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân.

    1- Không chấp nhận kháng cáo của các ông Tạ Huy Hằng, Lê Huy Cẩm và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và thiết bị hàn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cụ thể như sau: Hủy kết quả bán 25.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân do ông Tạ Huy Hằng, giám đốc Công ty và ông Đỗ Đình Lập, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã tổ chức bán vào ngày 04/01/2005.

    Công ty cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân có trách nhiệm thanh toán cho:

    - Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn: 1.000.000 đồng tiền gốc và 75.000.000 đồng tiền lãi phát sinh.

    - Ông Lê Huy Cẩm: 400.000.000 đồng và 30.000.000 đồng tiền lãi phát sinh.

    Áp dụng Nghị định số 70/CP của Chính phủ, các ông Đỗ Đình Lập, Tạ Huy Hằng, Lê Huy Cẩm, các bà là Bùi Thị Thanh Hà, Lê Minh Nguyệt và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

    Ông Tạ Huy Hằng đã nộp 200.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo Biên lai số 002836 ngày 21/6/2007, các ông Đỗ Đình Lập, Lê Huy Cẩm; các bà Bùi Thị Thanh Hà, Lê Minh Nguyệt và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thiết bị hàn đã nộp 1.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo Biên lai số 002831 ngày 20/6/2007 của Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Các ông bà và Công ty có tên trên đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

    Kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu được thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật, tính trên số tiền và thời gian chậm thi hành.

    2- Các quyết định khác của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số66/2007/KDTM-ST ngày 05/6/200 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    CÁC THẨM PHÁN

    Nguyễn Đức Nhận Nguyễn Lương Thuận

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Bùi Thế Linh

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 09:09:18 SA
     
    29696 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận