Chào bạn,
Dựa vào thông tin bạn cung cấp, tôi xin đưa ra tư vấn như sau:
1. Giả thiết chị C không chết thì A có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? tội phạm thực hiện ở giai đoạn?
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì:
“ Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
Như trên tình huống bạn cung cấp thì không chỉ một lần mà đến tận hai lần A có hành động nhằm chiếm đoạt tính mạng của chị C. Điều đó chứng tỏ A hoàn toàn ý thức được hành vi của mình và cố ý thực hiện ý định giết chị C đến cùng. Tuy chị C không chết song hậu quả chết người không phải là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội giết người, do đó A vẫn phải chịu TNHS về hành vi của mình. Tội phạm thực hiện ở giai đoạn chưa đạt vì theo quy định tại Điều 18 BLHS quy định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội." Hay nói một cách cụ thể hơn thì hành vi của A thuộc vào loại Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi). Ở đây A đã hành động như ý muốn và tin là hậu quả sẽ xảy ra nhưng lại không xảy ra.
2. Xác định khách thể, đối tượng tác đôngh và các đấu hiệu khách quan của tội phạm trong vụ án trên?
- Khách thể: quyền được sống (tính mạng) của chị C
- Đối tượng tác động: Chị C – người bị hành vi phạm tội của A cướp đi tính mạng
- Khách quan:
+ Hành vi: A đã cho chị C uống thuốc ngủ bằng cách tán thành bột và trộn sắn dây. Chị C không biết bột sắn dây có trộn thuốc ngủ nên pha 1 cốc uống
+ Hậu quả: Chị C chết
2. Giả định A trước khi thực hiện hành vi phạm tội như tình huống trên mà đang có án tích về tội trộm cắp tài sản thì A bị coi là phạm tội có tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?
Căn cứ vào Điều 138 BLHS 1999 có quy định như sau:
“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Căn cứ vào Điều 49 BLHS 1999 có quy định như sau:
“Điều 49. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.”
Đồng thời ở Khoản 3 Điều 8 BLHS 1999 có quy định rõ về các loại tội phạm, cụ thể như sau:
“Điều 8. Khái niệm tội phạm
…
3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
…”
Do ở đây bạn không nói rõ A có án tích về Tội trộm cắp tài sản theo Khoản nào, Điều 138 nên áp dụng các quy định pháp luật ở trên, tôi xin phân tích như sau:
- Nếu A phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 138 thì đây là tội ít nghiêm trọng, lỗi cố ý. Do đó, đây sẽ là trường hợp tái phạm.
- Nếu A phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 138 thì đây là tội nghiêm trọng, lỗi cố ý. Do đó, đây sẽ là trường hợp tái phạm..
- Nếu A phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 3 Điều 138 thì đây là tội rất nghiêm trọng, lỗi cố ý. Do đó, đây sẽ là trường hợp tái phạm nguy hiểm
- Nếu A phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 4 Điều 138 thì đây là tội đặc biệt nghiêm trọng, lỗi cố ý. Do đó, đây sẽ là trường hợp tái phạm nguy hiểm
Hi vọng câu trả lời của tôi có thể giải đáp thắc mắc của bạn.
Chuyên viên tư vấn Bình An./
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.