Để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, việc hành nghề y tế phải tuân thủ theo quy định về việc đăng ký hành nghề khám chữa bệnh, vậy trường hợp bác sĩ làm việc không đăng ký hành nghề có bị xử phạt không?
(1) Đăng ký hành nghề khám chữa bệnh là gì?
Theo quy định tại Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, một trong những điều kiện được hành nghề khám chữa bệnh là phải đăng ký hành nghề khám chữa bệnh.
Theo đó, đăng ký hành nghề khám chữa bệnh là thủ tục mà cá nhân hoặc tổ chức muốn hoạt động trong lĩnh vực y tế phải thực hiện để được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh.
Thủ tục này bao gồm việc nộp hồ sơ, cung cấp các tài liệu cần thiết và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật về y tế.
Đăng ký hành nghề khám chữa bệnh không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống y tế an toàn và hiệu quả.
Quy trình này giúp tăng cường sự trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực y tế, đồng thời bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
(2) Bác sĩ làm việc không đăng ký hành nghề có bị xử phạt không?
Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định như sau:
Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;
- Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023
- Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023
Như vậy, theo quy định của pháp luật, bác sĩ chỉ đủ điều kiện hành nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện kể trên, bao gồm việc đã có đăng ký hành nghề khám chữa bệnh.
Do đó, nếu bác sĩ làm việc mà không đăng ký hành nghề là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ làm việc trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sau đây thì không cần phải đăng ký hành nghề khám chữa bệnh:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều này đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ không bị phạt nếu chưa đăng ký hành nghề khám chữa bệnh khi thực hiện các hoạt động trên.
(3) Mức xử phạt đối với người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh
Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 8 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người hành nghề khám chữa bệnh khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Người hành nghề đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau; tổng thời gian làm ngoài giờ vượt quá quy định của Bộ luật Lao động; người hành nghề thực hiện hành nghề không đúng thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Không cấp giấy xác nhận quá trình thực hành cho người thực hành sau khi đã hoàn thành quá trình thực hành theo quy định của pháp luật;
- Cấp giấy xác nhận quá trình thực hành không đúng nội dung; không đúng sự thật; không phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đăng ký hành nghề;
- Phân công người hướng dẫn thực hành không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp bác sĩ làm việc không thuộc các trường hợp không cần đăng ký hành nghề mà không đăng ký hành nghề sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 5 triệu đồng.