Áp dụng quy định “chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” ở Điều 54 BLHS như thế nào cho đúng?

Chủ đề   RSS   
  • #563591 28/11/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Áp dụng quy định “chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” ở Điều 54 BLHS như thế nào cho đúng?

    chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn

    Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn

    HOÀNG QUẢNG LỰC (Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình) - Điều 54 của BLHS năm 2015 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng trong thực tiễn áp dụng quy định này còn có những cách hiểu khác nhau. Bài viết bàn về vướng mắc này để áp dụng điều luật cho phù hợp.

    1.Quy định của pháp luật

    Điều 54 của BLHS năm 2015 về  quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng quy định như sau:

    1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

    2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

    3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

    Hiện nay việc áp dụng điều luật này để xét xử bị cáo trong trường hợp bị cáo phạm vào điều khoản có khung hình phạt quy định là chỉ có loại hình phạt tù có thời hạn, hoặc có các loại hình phạt gồm tù có thời hạn, tù chung thân, hoặc có các loại hình phạt gồm cả tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình và điều khoản liền kề nhẹ hơn có khung hình phạt quy định cả loại hình phạt tù có thời hạn và loại hình phạt khác là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền hoặc đồng thời cả hai loại hình phạt này, thì Tòa án có được phép áp dụng loại hình phạt tiền hoặc loại hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo hay không đang là vấn đề có các quan điểm khác nhau. Ví dụ Điều 321 BLHS về tội đánh bạc quy định:

    1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Vậy khi bị cáo phạm tội thuộc khoản 2 Điều 321 BLHS và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51BLHS, thì Tòa án có được áp dụng loại hình phạt tiền hay loại hình phạt cải tạo không giam giữ để xét xử đối với bị cáo không, hay chỉ được áp dụng loại hình phạt tù có thời hạn trong khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm ở khung hình phạt quy định tại khoảng 1 Điều 321 BLHS.

    2.Quan điểm khác nhau

    Vấn đề này hiện có hai quan điểm.

    Quan điểm thứ nhất của số đông cho rằng Điều 54 BLHS quy định như vậy có nghĩa là khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, thì Tòa án có thể dùng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn để áp dụng đối với bị cáo. Cụ thể nếu bị cáo phạm tội đánh bạc theo khoản 2 Điều 321 BLHS, thì trong trường hợp bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 54 BLHS, Tòa án được quyền áp dụng loại hình phạt tiền hoặc loại hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo.

    Quan điểm thứ hai cho rằng Điều 54 BLHS không có câu chữ nào nói rằng khi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51BLHS, thì Tòa án có thể dùng khung hình phạt liền kề nhẹ hơn để áp dụng đối với bị cáo. Điều luật này chỉ cho phép Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, hoặc không bắt buộc phải trong khung khung hình phạt liền kề nhẹ hơn trong trường hợp bị cáo phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể. Hai điều này là hoàn toàn khác nhau. Khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo trong ví dụ này là khung phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Do đó một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt này chỉ có thể là một hình phạt tù ở mức phạt tù từ 3 tháng đến dưới 3 năm, không thể là một hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc một hình phạt tiền.

    Sở dĩ chúng ta buộc phải hiểu như vậy là vì theo quan điểm của Nhà làm luật chỉ có thể đặt ra sự so sánh sự cao thấp trong cùng loại hình phạt, không thể đặt ra sự so sánh cao thấp giữa các loại hình phạt khác nhau, cụ thể không thể cho rằng một hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc một hình phạt tiền nào đó là thấp hơn hay cao hơn một hình phạt tù có thời hạn nào đó. Quan điểm này được thể hiện rất rõ qua việc trình bày ở khoản 3 Điều 54 BLHS. Đó là nếu có thể đặt ra sự so sánh cao thấp giữa các loại hình phạt khác nhau thì khoản 3 Điều 54 BLHS chỉ cần trình bày như sau là đã đầy đủ ý:

    “3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”; không cần phải đưa thêm cả cụm từ “hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn”. Việc đưa thêm cụm từ “hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” vào khoản 3 Điều 54 BLHS là bởi quan điểm của Nhà làm luật là một hình phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ cụ thể nào đó không được coi là thấp hơn một hình phạt tù có thời hạn cụ thể nào đó. Còn nếu coi một hình phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ cụ thể nào đó luôn là thấp hơn một hình phạt tù có thời hạn thì cụm từ “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt”đã bao hàm trong đó các loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, nên việc viết thêm cụm từ “hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là thừa”. Nhưng việc trình bày ở khoản 3 Điều 54 BLHS là có dụng ý rõ ràng của Nhà làm luật, chứ không phải là sự sơ suất dẫn đến trình bày thừa.

    Như vậy việc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn so với loại hình phạt quy định ở khung hình phạt mà bị cáo phạm phải không được áp dụng đối với trường hợp bị cáo phạm vào tội mà điều luật quy định có nhiều khung hình phạt và khung hình phạt mà bị cáo phạm phải không phải là khung hình phạt nhẹ nhất.

    Tác giả đồng tình quan điểm này. Trong những năm gần đây, các loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội ngày càng phổ biến, tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá ngày càng tăng. Tuy vậy ở một số địa phương hầu hết các trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 321 BLHS đều được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ, với lý do bị cáo có đủ điều kiện để được áp dụng Điều 54 BLHS, mà khoản 1 Điều 321 BLHS khung hình phạt có quy định loại hình phạt cải tạo không giam giữ, nên việc cho bị cáo được hưởng loại hình phạt này là hoàn toàn đúng pháp luật. Thực trạng trên làm cho việc xử lý loại tội phạm này vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Xin dẫn chứng vụ án điển hình sau: Khoảng đầu năm 2020, Trần thế H và vợ là Võ Thị Kiều Tr với sự giúp sức của Nguyễn Thị Ng, Trịnh Thị Thu H làm chủ số lô, số đề thỏa thuận với một số người quen biết khác về việc đánh bạc dưới hình thức chơi số lô, số đề dựa trên kết quả mở thưởng của các Công ty Xổ số kiến thiết Miền Trung – Tây nguyên và Miền Bắc. Các thư ký đề hàng ngày trực tiếp bán số lô, số đề cho các con bạc là khách qua đường, đến cuối ngày tổng hợp thành bảng đề và chuyển lại cho Nguyễn Thị Ng, Trần Thế H, Trịnh Thị Thu H thông qua ứng dụng mạng xã hội zalo, tin nhắn điện thoại và tài khoản facebook. Việc thanh toán thắng thua căn cứ kết quả mở thưởng xổ số trong ngày bán. Nguyễn Thị Ng, Trần Thế H, Trịnh Thị Thu H quy ước với các thư ký và những người quen biết đánh bạc như sau: Dự đoán số theo thống nhất từ trước và đặt cược các con số theo kết quả xổ số kiến thiết mở thưởng của các Công ty Sổ số kiến thiết Miền Trung – Tây nguyên và Miền Bắc. Nếu dự đoán trùng với kết quả thì thắng, dự đoán không trùng thì thua. Việc thắng thua được thanh toán bằng tiền mặt. Các bảng đề chuyển cho Nguyễn Thị Ng, Trần Thế H, Trịnh Thị Thu H vào thời gian trước 17 giờ 10 phút đối với Xổ số kiến thiết Miền Trung – Tây nguyên và trước 18 giờ 10 phút đối với Xổ số kiến thiết Miền Bắc. Khi nhận được bảng đề, bên nhận kiểm tra lại, nếu không chấp nhận số đánh thì liên lạc lại. Với cách thức như trên, trong khoảng thời gian từ ngày 12/3/2020 đến ngày 14/3/2020, Trần Thế H,  Võ Thị Kiều Tr, Trịnh Thị Thu H, Trần thị H và Lê Anh S đã nhiều lần đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc của mỗi người như sau: Trần Thế H 415. 574.000 đồng, Võ Thị Kiều Tr 415.574.000 đồng, Trịnh Thị Thu H 228.748.000 đồng, Trần thị H 120.878.000 đồng và Lê Anh S 132.983.000 đồng. Năm bị cáo trên bị truy tố về tội đánh bạc theo khoản 2 Điều 321 BLHS. Mười ba bị cáo còn lại cũng đều thực hiện việc đánh bạc nhiều lần, với tổng số tiền đánh bạc của mỗi người dưới 50 triệu đồng, bị Viện kiểm sát truy tố theo khoản 1 Điều 321 BLHS về tội đánh bạc. Tòa án xét xử vụ án đã áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, mức án từ 25 đến 36 tháng cho tất cả 18 bị cáo của vụ án, trong đó có 5 bị cáo bị xét xử theo khoản 2 Điều 321 BLHS, 13 bị cáo bị xét xử theo khoản 2 Điều 321 BLHS và trong số 18 bị cáo này có một số bị cáo đã từng bị phạt tù, bị xử phạt hành chính về các hành vi đánh bạc, trộm cắp tài sản.

    3.Kiến nghị

    Từ thực tế của việc áp dụng rất có vấn đề về Điều 54 BLHS như trên, tác giả xin có mấy kiến nghị sau:

    Thứ nhất, ngày 4/8/2000 Hội đồng Thẩm phán TANDTC có ban hành Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999. Tại mục 10 về áp dụng Điều 47 BLHS năm 1999, Nghị quyết đã hướng dẫn như sau: “ Quy định "Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật" được áp dụng trong trường hợp điều luật có từ hai khung hình phạt trở lên và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự không phải theo khung hình phạt nhẹ nhất. Nếu các khung hình phạt của điều luật được sắp xếp theo thứ tự 1, 2, 3... và từ nhẹ nhất đến nặng nhất, thì theo quy định này khi có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 trở lên, Toà án chỉ có thể quy định một hình phạt trong khung hình phạt của khoản 1, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 2; Toà án chỉ có thể quyết định một hình phạt trong khung hình phạt của khoản 2, nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 3...

    Ví dụ: Một người phạm tội trộm cắp tài sản và có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 trở lên, việc áp dụng quy định trên đây của Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:

    - Nếu người phạm tội bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới 2 năm tù, nhưng phải trong khung hình phạt của khoản 1; cụ thể là chỉ được phạt tù từ 6 tháng đến dưới 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. ...”.

    Theo tác giả nội dung hướng dẫn này là trái với Điều 47 BLHS năm 1999. Lý do như đã phân tích ở trước, đó là theo tinh thần của Điều 47 BLHS năm 1999 (cũng như tinh thần của Điều 54 BLHS hiện hành), chỉ có thể coi các loại hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền là các loại hình phạt nhẹ hơn loại hình phạt tù có thời hạn mà không thể coi một hình phạt tiền, hoặc một hình phạt cải tạo không giam giữ là thấp hơn một hình phạt tù có thời hạn. Nếu cho rằng một hình phạt tiền hoặc một hình phạt cải tạo không giam giữ là thấp hơn một hình phạt tù có thời hạn thì giải thích như thế nào quy định tại Điều 196 BLHS về tội đầu cơ, theo đó khoản 3 của Điều luật này có quy định mức phạt (hình phạt chính) từ một tỉ rưỡi đồng đến 5 tỉ đồng, trong khi đó khoản 1 của Điều luật lại có quy định mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm? Do đó việc hướng dẫn cho người phạm tội bị xét xử theo khoản 2 Điều 138 BLHS năm 1999 có thể được hưởng loại hình phạt cải tạo không giam giữ là không thỏa đáng. Mặc dù Nghị quyết này đã hết hiệu lực pháp luật, nhưng tinh thần này của Nghị quyết này đến nay nhìn chung vẫn được các Tòa án áp dụng.

    Để khắc phục tình trạng này thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên ban hành Nghị quyết mới hướng dẫn lại vấn đề này theo đúng tinh thần của BLHS.

    Thứ hai, BLHS có một số điều luật quy định về tội phạm mà khi người phạm tội phạm vào các điều luật này, thì người phạm tội dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, Tòa án cũng không thể áp dụng Điều 54 BLHS để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo được. Ví dụ Điều 336 của BLHS về tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật quy định như sau:

    “1. Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;

    b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

    Với quy định như vậy trong trường hợp bị cáo phạm vào khoản 2 của Điều luật này thì Tòa án không thể áp dụng được Điều 54 BLHS để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo được, dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất hai tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Lý do của việc này như đã phân tích ở phần trước. Do đó về lâu dài BLHS cần phải được sửa đổi để khắc phục hạn chế này. Ví dụ như điều luật này cần sửa đổi như sau: “1. Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 2 năm đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;

    b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Với sửa đổi như vậy sẽ khắc phục được hạn chế trên./.

    Theo Tạp chí tòa án

     

     
    1992 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (28/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #563728   29/11/2020

    jellannm
    jellannm
    Top 50
    Female
    Lớp 8

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/03/2019
    Tổng số bài viết (1358)
    Số điểm: 11337
    Cảm ơn: 17
    Được cảm ơn 200 lần


    Cảm ơn thông tin hữu ích mà bạn đã chia sẻ. Thực tế đây là  vướng mắc của mình người làm trong ngành tố tụng, bào chữa. Vấn đề này đúng là có nhiều quan điểm khác nhau, trước đây mình theo hướng quan điểm một, tuy nhiên sau khi đọc chia sẻ và phân tích của bài viết mình cho răng áp dụng theo hướng số hai sẽ đúng hơn.

     

     
    Báo quản trị |