Chính phủ vừa công bố bản Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế (bao gồm Luật bảo hiểm y tế 2008 và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2017 và thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC.
Theo đó, Nghị định mới hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế có một số nội dung nổi bật đáng chú ý như sau:
Giảm tỷ lệ đóng BHYT theo hộ gia đình
Thay vì mức đóng BHYT theo hộ gia đình đối với người thứ nhất hiện nay là 4.5% mức lương cơ sở theo Nghị định 105 thì theo Nghị định mới này, mức đóng sẽ là 4% mức lương cơ sở. Các tỷ lệ đối với những người còn lại không thay đổi.
Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên
Như hiện nay, mức hỗ trợ này chỉ dừng lại ở mức 30%.
9 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh
1. Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
2. Khám bệnh, chữa bệnh không đúng thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
3. Người bệnh tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, có số tiền cùng chi trả trong năm kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục vượt 6 tháng lương cơ sở và bệnh viện đã thu số tiền cùng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán số tiền cùng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở.
Ví dụ 9: Ông A đi khám bệnh, chữa bệnh từ 01/01/2015 đến hết ngày 15/11/2015, ông A đã nộp số tiền cùng chi trả chi phí phí khám chữa bệnh trong năm tại cơ sở y tế là 20.000.000 đồng. Tuy nhiên đến ngày 15/5/2015, ông A mới đủ thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục. Sau khi nhận Hồ sơ đề nghị của Ông A, cơ quan Bảo hiểm xã hội thẩm định và thanh toán trực tiếp trả cho ông A như sau:
- Xác định số tiền cùng chi trả của Ông A từ ngày 15/11/2015 đến hiện tại là: 12.000.000 đồng
- Xác định số tiền cùng chi trả 6 tháng lương cơ sở hiện tại là:
1.210.000 đồng x 6 tháng = 7.260.000 đồng
- Số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán trực tiếp trả lại cho ông A là:
12.000.000 đồng - 7.260.000 đồng = 4.740.000 đồng.
Số tiền Ông A cùng chi trả từ đầu năm đến ngày 14/5/2015 không được quỹ BHYT thanh toán là: 8.000.000 đồng.
4. Người bệnh có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh đã xuất trình thủ tục theo quy định nhưng chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT như thuốc, vật tư y tế có trong danh mục nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được cung ứng đủ.
5. Người bệnh đã đóng bảo hiểm y tế đầy đủ theo quy định nhưng chưa được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định do sai sót trong việc lập danh sách, chuyển kinh phí, cấp, phát thẻ bảo hiểm y tế.
6. Người do ngân sách Nhà nước đóng BHYT đi KCB trong thời gian chờ quyết định công nhận đối tượng của cấp có thẩm quyền.
7. Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh ngay khi được cấp cứu mà chưa trình thẻ BHYT.
8. Trường hợp cấp cứu tại các cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT.
9. Trường hợp trẻ được sinh tại nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam hoặc được sinh trong thời gian bố mẹ sống vô gia cư tại nước ngoài không có Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh được đưa về Việt Nam đang làm thủ tục hộ khẩu hộ tịch, khai sinh.
Để được thanh toán chi phí KCB bạn phải sao y chứng thực hoặc công chứng các chứng từ thay vì là bản chính như trước đây
Hồ sơ đề nghị thanh toán gồm:
1. Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
2. Các thủ tục, giấy tờ theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
3. Giấy ra viện.
4. Bản sao công chứng hoặc chứng thực các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).
Mời các bạn xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 23/11/2016 05:14:11 CH