"Điều 80. Quản lý và sử dụng quỹ thu dọn mỏ
1. Việc quản lý quỹ thu dọn mỏ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện.
2. Trong thời gian chưa sử dụng quỹ thu dọn mỏ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi số tiền của quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính vào một tài khoản sinh lãi riêng tại tổ chức tín dụng tại Việt Nam có định mức tín nhiệm cao nhất theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm rủi ro liên quan đến quỹ thu dọn mỏ. Tiền lãi phát sinh hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước được nhập vào quỹ thu dọn mỏ.
3. Quỹ thu dọn mỏ được sử dụng cho mục đích thu dọn mỏ. Nhà thầu được sử dụng số tiền trong quỹ để thực hiện nghĩa vụ thu dọn mỏ theo kế hoạch thu dọn mỏ đã được phê duyệt.
Trường hợp nhà thầu không thể triển khai thu dọn mỏ trên cơ sở kế hoạch thu dọn mỏ đã được phê duyệt do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không đủ khả năng hoàn trả quỹ thu dọn mỏ, nhà thầu được giải thoát khỏi nghĩa vụ thu dọn mỏ tương ứng với phần không hoàn trả và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thu dọn phần mỏ chưa được thu dọn đó.
4. Trường hợp nhà thầu không phải thu dọn hoặc chỉ thu dọn một phần công trình cố định, thiết bị và phương tiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 77 Nghị định này, quỹ thu dọn mỏ vẫn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và được trực tiếp sử dụng để thu dọn khi mỏ kết thúc hoạt động. Trong trường hợp này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với nhà thầu xác định quỹ thu dọn mỏ tại thời điểm tiếp nhận quyền sử dụng quỹ và nhà thầu có trách nhiệm trích nộp phần quỹ còn thiếu. Sau thời điểm này, nhà thầu được giải thoát nghĩa vụ đối với toàn bộ hoặc phần công trình cố định, thiết bị, phương tiện chưa được thu dọn và phần trích quỹ còn thiếu (nếu có)."
Do đó, căn cứ vào quy định trên thì việc thu dọn mỏ phải thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt. Nếu trong kế hoạch phê duyệt, Bộ Công thương đã thông qua việc thu dọn một phần của công ty thì phần còn lại sẽ do PVN quản lý và sử dụng để thu dọn phần còn lại, và trường hợp này thì quỹ đó sẽ được xem là vốn nhà nước và được PVN tổ chức đấu thầu để tìm người thực hiện phần nghĩa vụ còn lại.
Trường hợp nếu Bộ công thương thông qua kế hoạch của công ty về việc thực hiện một phần của công ty, và công ty cũng đã tổ chức đấu thầu tìm được nhà thầu phụ để thực hiện phần còn lại thì vẫn tổ chức tìm nhà thầu phụ như hợp đồng dầu khí đã ký.