Anh em như thể tay chân - Pháp luật quy định thế nào về tình nghĩa anh em?

Chủ đề   RSS   
  • #612937 18/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Anh em như thể tay chân - Pháp luật quy định thế nào về tình nghĩa anh em?

    Anh chị em trong một gia đình được ví như tay và chân trên cùng một cơ thể, vậy pháp luật quy định thế nào về tình nghĩa anh chị em trong một gia đình?

    (1) Anh chị em trong cùng gia đình có nghĩa vụ gì với nhau?

    “Anh em như thể tay chân - Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” là câu ca dao tục ngữ mà ông cha ta đã truyền lại cho thế hệ con cháu.

    Hình ảnh "Anh em như thể tay chân" gợi lên sự so sánh, ví von mối quan hệ anh em khăng khít, gắn bó như hai bộ phận quan trọng trên cơ thể con người. Tay và chân hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động.

    Còn hình ảnh "rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần" thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá rách lá lành đùm bọc lẫn nhau. Khi gặp khó khăn, hoạn nạn, anh em luôn sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ, cùng nhau vượt qua.

    Câu ca dao như một lời dạy cho con cháu rằng mối quan hệ anh em ruột thịt là mối quan hệ vô cùng đặc biệt, không thể tách rời. Giữa anh em luôn có sự gắn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và đó cũng là truyền thống mà ông cha ta gìn giữ. Để tiếp tục truyền thống tốt đẹp đó, tình nghĩa anh, chị, em trong gia đình không chỉ dừng lại ở lời dạy, lời khuyên từ thế hệ đi trước mà nó còn được quy định trong pháp luật của nước ta ngày nay.

    Theo Điều 105 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

    Quy định này của Luật Hôn nhân và gia đình càng nhấn mạnh thêm tình nghĩa của người trong một gia đình. Nếu đã là anh, chị, em trong một gia đình thì phải yêu thương, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn như khi cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng,  chăm sóc, giáo dục cho con.

    (2) Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

    Theo quy định tại Điều 112 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

    Pháp luật quy định người đã thành niên, có khả năng lao động có nghĩa vụ chăm sóc anh, chị, em của mình nếu người đó chưa thành niên hoặc mất khả năng lao động.

    Điều này thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không chỉ anh chị mới có trách nhiệm nuôi dưỡng em, mà em cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng anh chị nếu anh chị không có sức lao động.

    Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ phát sinh khi cha mẹ qua đời hoặc cha mẹ không có khả năng lao động mà thôi.

    (3) Quyền và nghĩa vụ đại diện theo pháp luật

    Theo tại Điều 52 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ cho em chưa thành niên trong các trường hợp:

    - Em chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ

    - Em chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ

    (điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ Luật Dân sự 2015)

    Quy định này như một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của anh, chị ,em trong gia đình khi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Với tư cách là người giám hộ, anh, chị phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, quản lí tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích pháp của em mình, đại diện cho người em trong các giao dịch dân sự, thực hiện việc khám chữa bệnh cho em mình theo quy định của pháp luật

    (4) Quyền thừa kế di sản

    Theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, trong trường hợp di sản của anh, chị ,em được chia thừa kế theo pháp luật thì anh chị em sẽ ở hàng thừa kế thứ hai:

    “Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại”

    Như vậy, nếu người chết không có vợ, con và cha, mẹ đều đã qua đời thì anh, chị, em ruột của người chết sẽ là người được hưởng thừa kế di sản.

    Có thể thấy, tình nghĩa anh em là một giá trị truyền thống quý báu cần được trân trọng và gìn giữ. Pháp luật đã có những quy định để bảo vệ tình nghĩa anh em, tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì mối quan hệ anh em tốt đẹp cần dựa trên sự yêu thương, thấu hiểu và lòng vị tha của mỗi người.

     
    777 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận