Với sự thay đổi và phát triển không ngừng của các quan hệ xã hội, đòi hỏi một hệ thống pháp luật phải có sự vận động để điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, trong quá trình làm luật, các nhà làm luật ở các quốc gia đều cố gắng dự kiến đến mức tối đa những trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống để kịp thời có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật giải quyết. Tuy nhiên, dù khả năng dự liệu có cao đến đâu thì thực tiễn cũng khó tránh khỏi tình trạng thiếu pháp luật, những khoảng trống, mâu thuẫn hay bất cập đối với một số vấn đề. Điều này sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho hệ thống tư pháp trong việc thực hiện chức năng bảo đảm công lý. Và đây chính là tiền đề cho sự ra đời của án lệ.
Hiện nay, định chế án lệ tại Việt Nam được điều chỉnh tại Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, mà theo quy định tại văn bản này, án lệ được hiểu là: “Những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”
Với định nghĩa trên, án lệ mang bản chất là những phán quyết của Tòa án chứa đựng những nguyên tắc pháp lý cơ bản để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa thể điều chỉnh hay những mâu thuẫn, khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Mặt khác với sự trợ giúp của án lệ, các vụ việc sẽ giải quyết được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Qua đó tạo sự thống nhất trong xét xử của các Tòa án.
Tính đến thời điểm này, tại Việt Nam số án lệ được công bố là 29 án lệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: dân sự (thừa kế, hợp đồng, quyền sử dụng đất), hôn nhân gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động và hình sự. Có thể thấy, mặc dù đây chưa phải là con số lớn nhưng với số lượng án lệ đã được công bố trên đã cho thấy sự phát triển và ưu thế của án lệ tại Việt Nam.
Vậy, câu hỏi đặt ra, liệu án lệ có được xem là một văn bản quy phạm pháp luật hay không?
Câu trả lời là: Không. Khác với án lệ tại các nước theo hệ thống Thông luật (common law) như: Anh, Mỹ,… việc công bố và sử dụng án lệ được thừa nhận như một nguồn luật chính thức. Án lệ ở đây áp dụng phải tuân theo nguyên tắc “Stare Decisis” – được hiểu là “tiền lệ cần được tuân thủ”, tức đòi hỏi các thẩm phán khi xét xử một vụ án có tình tiết tương tự phải tuân thủ áp dụng như nội dung án lệ đã được ban hành/thừa nhận trước đó. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam lại mang đặc thù của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, theo đó, pháp luật thành văn được coi trọng hơn hết. Vì vậy, để được coi là một văn bản quy phạm pháp luật thì cần đáp ứng các điều kiện nhất định, mà hiện nay được quy định cụ thể tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Chiếu theo văn bản này, án lệ không được xem là một văn bản quy phạm pháp luật, bởi nó không đáp được các điều kiện về: chủ thể ban hành, trình tự thủ tục ban hành,… Án lệ có thể hiểu đơn giản là “văn bản tư pháp” nhằm cụ thể hóa việc giải thích và áp dụng pháp luật tại Việt Nam.