Án lệ 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “cướp giật tài sản”

Chủ đề   RSS   
  • #601915 19/04/2023

    trantomy
    Top 150
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/06/2016
    Tổng số bài viết (558)
    Số điểm: 5400
    Cảm ơn: 184
    Được cảm ơn 179 lần


    Án lệ 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “cướp giật tài sản”

    Đây là một trong 07 những án lệ được Tòa án nhân dân tối cao công bố tại Quyết định 39/QĐ-CA năm 2023

    Cụ thể, Án lệ số 57/2023/AL đưa ra hướng dẫn để xác định tội danh cho trường hợp bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.

    NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

    [1] Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

    [2] Kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm.

    [3] Căn cứ lời khai của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B tại phiên tòa phúc thẩm, cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định: Từ khoảng đầu tháng 01/2020 đến ngày 04/02/2020, Nguyễn Thành Quốc B đã có hành vi sử dụng sim khuyến mãi tạo tài khoản trên các ứng dụng bán hàng trực tuyến, đặt mua các sản phẩm điện thoại có giá trị cao nhằm chiếm đoạt bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Để tiếp cận được tài sản, bị cáo chuẩn bị các xấp tiền mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng nhưng mỗi xấp chỉ để 02 tờ tiền thật ở mặt trên và mặt dưới, còn ở giữa là tiền âm phủ và dùng dây thun cột lại để khi giao nhận hàng, B sẽ lấy những xấp tiền được chuẩn bị trước cho người giao hàng thấy nhằm tạo niềm tin. Sau khi nhận và kiểm tra hàng, B lấy xấp tiền đã chuẩn bị trước đó đưa cho các bị hại, lợi dụng sơ hở khi bị hại tháo dây thun kiểm, đếm tiền thì B tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Bằng thủ đoạn nêu trên bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của 05 bị hại, trị giá tài sản chiếm đoạt qua định giá là 175.270.000 đồng.

    [4] Xét Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản”. Bản án sơ thẩm số 111/2020/HSST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là có căn cứ, đúng pháp luật.

    [5] Tuy nhiên, xét bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là người không có nghề nghiệp, thực hiện liên tiếp 05 vụ “Cướp giật tài sản”, số tiền hưởng lợi từ hành vi phạm tội được bị cáo sử dụng làm nguồn sống chính nên thuộc trường hợp “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này khi quyết định hình phạt đối với bị cáo B là thiếu sót. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận một phần nội dung Kháng nghị 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với bị cáo B. Về tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, xét tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt, bị hại đã tạm giao tài sản cho bị cáo quản lý, sau đó bị cáo mới tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát nên không thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm” để cướp giật tài sản. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi quyết định hình phạt đối với bị cáo B.

    [6] Về mức hình phạt 06 (năm) tù về tội “Cướp giật tài sản” mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi và hậu quả tội phạm mà bị cáo đã thực hiện nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét giữ nguyên mức hình phạt đã tuyên.

    [7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

    [8] Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    Vì các lẽ trên,

    QUYẾT ĐỊNH

    Căn cứ Điều 345; điểm b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sửa bản án sơ thẩm.

    Căn cứ điểm b, c khoản 2 Điều 171; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015,

    Xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B 06 (sáu) năm tù về tội “Cướp giật tài sản”.

    Thời hạn tù tính từ ngày 06/02/2020.

    Căn cứ Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

    Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    NỘI DUNG ÁN LỆ 57/2023/AL

    “[4] Xét Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 46/QĐ-VKS-P7 ngày 25/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản”. Bản án sơ thẩm số 111/2020/HSST ngày 27/8/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Nguyễn Thành Quốc B là có căn cứ, đúng pháp luật.”

    Quyết định 39/QĐ-CA có hiệu lực ngày 24/02/2023. 

     
    678 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận