Ăn cắp dữ liệu máy tính - Ảnh minh họa
Thời đại công nghệ số, rất nhiều thông tin quan trọng của cá nhân giờ đây dã không còn được ghi vào sổ, cất vào hòm mà được lưu trữ bằng các nền tảng dữ liệu điện tử. Liệu việc trộm cắp những thông tin này có được xem là trộm cắp tài sản hay không và bị xử lý như thế nào?
Trộm dữ liệu máy tính có phải trộm tài sản?
Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Tuy nhiên, để xem xét việc trộm cắp dữ liệu có phải là trộm cắp tài sản hay không, cần xem lại định nghĩa về tài sản theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản."
Theo đó, dữ liệu máy tính không nằm trong số những vật, quyền được coi là tài sản. Chính vì vậy việc xem xét hành vi trộm dữ liệu máy tính như trộm cắp tài sản là không có căn cứ.
Xử lý hành vi trộm cắp dữ liệu
Hành vi trộm cắp dữ liệu không bị xét vào tội trộm cắp tài sản mà sẽ bị xử lý hành chính và hình sự như sau:
1. Xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng
Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng."
Tại Khoản 2 Điều này, khi truy cập bất hợp pháp dữ liệu của người khác nhằm thực hiện các hành vi dưới đây thì mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng:
- Chiếm quyền điều khiển
- Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ thông tin
- Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác,...
2. Truy cứu hình sự với Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác:
Tội này tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 được quy định như sau :
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
…
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác."
Theo đó, hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín đối với dữ liệu máy tính cũng được xét vào tội này. Sau khi bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm thì người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Ở khung tăng nặng của tội phạm này, trường hợp "Phạm tội 02 lần trở lên" hoặc người phạm tội "Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác" thì hình phạt tối đa đến 3 năm tù.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 05/12/2020 03:31:57 CH