Một Ngân hàng có nhận tài sản thế chấp của bên thứ ba để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho một doanh nghiệp.Tại thời điểm thế chấp, các cơ quan chức năng xác nhận là tài sản đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình quan hệ tín dụng, Ngân hàng đã khởi kiện đòi nợ Doanh nghiệp ra Toà án nhân dân do Doanh nghiệp vi phạm các điều khoản và cam kết đã ký tại Hợp đồng tín dụng.
Tại bản án sơ thẩm, Toà án nhân dân Tuyên Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi, lãi quá hạn cho Ngân hàng, đồng thời tuyên hợp đồng thế chấp không còn giá trị (mà không tuyên phải trả lại tài sản thế chấp cho bên có tài sản như là khi hợp đồng bị vô hiệu) với những lý do sau:
UBND Tỉnh ra quyết định huỷ bỏ quyết định về việc giao đất cho bên có tài sản đảm bảo (Thời điểm này, Tài sản bị thu hồi đang làm đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Doanh nghiệp đối với Ngân hàng – Tài sản đảm bảo được Ngân hàng thực hiện chứng thực và đăng ký thế chấp theo đúng quy định của Pháp luật).
Theo ý kiến của Ngân hàng thì:
Tại thời điểm nhận thế chấp bằng tài sản đảm bảo của bên thứ ba, Tài sản đảm bảo là hoàn toàn hợp pháp và đủ điều kiện để dùng làm đảm bảo tiền vay. Nhưng tại bản án, phần tài sản, Toà án nhân dân đã tuyên là hợp đồng không còn giá trị nhưng không nêu trách nhiệm của cá nhân và đơn vị liên quan, do vậy ảnh hưởng đến việc thu nợ của Ngân hàng,
Như vậy, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng liên quan (cụ thể là UBND Tỉnh) có nghĩa vụ và trách nhiệm đến đâu khi Tài sản đang làm đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ bị thu hồi? và các bước giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng? (Doanh nghiệp không có khả năng trả nợ).
Hợp đồng không còn giá trị với hợp đồng bị vô hiệu phải là một không? (Vì hợp đồng bị vô hiệu thì Ngân hàng phải trả lại tài sản thế chấp cho bên thứ ba)
Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư giải đáp vướng mắc cho tôi!