Chào bạn,
Đối với tình huống mà bạn đề cập thì còn nhiều vấn đề chưa rõ nên Luật sư có ý kiến chung như sau:
Trường hợp xác định căn nhà là di sản thừa kế của ông A thì khi ông A chết không để lại di chúc, di sản sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất gồm cha mẹ, vợ và các con của ông A.
Theo Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 (trước đây là Điều 686 Bộ luật Dân sự 2005) thì trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Tuy nhiên, thời điểm này mở thừa kế vào thời điểm 2005 thì vẫn đang áp dụng Bộ luật Dân sự 1995 để giải quyết. Tại Điều 689 Bộ luật Dân sự 1995 quy định: "Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định, thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia"
Như vậy, việc hạn chế phân chia di sản chỉ được xác lập theo ý chí của người để lại di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả đồng thừa kế. Ở đây, chưa có sự thống nhất của tất cả các đồng thừa kế nên việc chị B gửi đơn yêu cầu chưa chia di sản thì không có cơ sở để Tòa án chấp nhận.
Tuy nhiên, khi tiến hành phân chia di sản thừa kế, Tòa án có thể xem xét xử lý theo hướng giao cho vợ và các con của A là người đang sinh sống ổn định trên căn nhà quyền sở hữu căn nhà và yêu cầu vợ, các con của A thanh toán cho bố mẹ của A giá trị của suất thừa kế mà họ được chia theo quy định.