Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP, việc xử lý kỷ luật sa thải phải được tiến hành qua 04 bước.
Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm
Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi, người sử dụng lao động lập biên bản vi phạm, thông báo đến tổ chức công đoàn cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật nếu người lao động là người dưới 18 tuổi.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sau thời điểm hành vi đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì tiến hành tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động.
Bước 2: Tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động
Trước khi diễn ra cuộc họp, người sử dụng lao động phải thông báo nội dung, thời gian, địa điểm họp tới Ban chấp hành công đoàn cơ sở, người lao động có hành vi vi phạm và cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật nếu người lao động là người dưới 18 tuổi.
Cuộc họp sẽ được diễn ra khi có đủ các thành phần hoặc một trong các thành phần được thông báo không xác nhận dự họp hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp.
Cuộc họp phải lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Nếu một trong các thành viên đã tham dự không ký vào biên bản thì ghi rõ lý do.
Bước 3: Ban hành quyết định xử lý kỷ luật
Để quyết định xử lý kỷ luật lao động có giá trị pháp lý thì phải đảm bảo được ban hành bởi người có thẩm quyền và đúng thời hạn.
Về người ký ban hành quyết định: Là người giao kết hợp đồng lao động.
Về thời gian ban hành: Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; nếu là hành vi liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, bí mật kinh doanh, công nghệ thì là 12 tháng.
Bước 4: Thông báo công khai quyết định xử lý kỷ luật
Quyết định xử lý kỷ luật phải được gửi đến người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Theo khoản 2 & 3 Điều 48 của Bộ Luật Lao động 2012, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải có những trách nhiệm sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại sổ bảo hiểm xã hội kèm những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Như vậy dù là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức nào kể cả sa thải thì người sử dụng lao động cũng phải có những trách nhiệm để đảm bảo quy định & quyền lợi cho người lao động.
Theo đó, người lao động sẽ được trả lương những ngày họ đã làm việc, cụ thể là những ngày làm việc trước đó chưa được trả lương theo thực tế người lao động nghỉ việc.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;