Với trường hợp mà bạn nêu thược tranh chấp di sản thừa kế thì vấn đề quan trọng là phải xác định tài sản tranh chấp có nguồn gốc của ông bà nội bạn, từ đó xác định diện và hàng thừa kế, trên cơ sở đó xác định quyền, nghĩa vụ của họ. Trong sự việc này, nguồn gốc đất có tranh chấp được xác định trên cơ sở sự thừa nhận của các bên có tranh chấp. bố bạn và anh chị em đều thống nhất về nguồn gốc đất và lý do mẹ bạn đang quản lý, sử dụng (được cấp sổ đỏ mang tên mẹ bạn).
Khi mất, ông bà nội bạn không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
…”.
Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”.
Vậy những người con của ông bà nội bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau; do đó miếng đất sẽ được chia thành các phần bằng nhau và mỗi người sẽ được hưởng 1 phần.
Vì vậy, chia di sản trong trường hợp này thì những người thừa kế phải có văn bản thỏa thuận với nhau về vị trí cũng như diện tích di sản của mình. Trong trường hợp những người đồng thừa kế không thể thỏa thuận với nhau và có tranh chấp xảy ra thì một trong các đồng thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì những người em của bố bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của ông bà bạn để lại, vì vậy họ có quyền yêu cầu chia di sản đó. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là 30 năm kể từ ngày người có di sản chết. Ông bà đã mất từ năm 1967 và 1975 nên thời hiệu khởi kiện không còn. Như vậy, nếu các bên không tự thương lượng được thì di sản thừa kế vẫn giữ nguyên hiện trạng và tòa án không thụ lý để giải quyết, trừ trường hợp tòa án có lý do để thụ lý theo quy định pháp luật.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.