Với câu hỏi trên, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Khoản 1, 2 Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm”.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có ủy quyền cho 1 người quen ở Hà Nội lấy giúp số tiền người ta nợ là 255 triệu đồng, sau khi lấy xong, người này chỉ chuyển cho bạn 150 triệu còn 105 triệu bảo bên kia chưa trả nhưng thực tế là có chứng từ bên nợ bạn đã trả đủ 255 triệu cho người tôi ủy quyền, bạn đã đòi 6 tháng rồi nhưng người đó hứa hẹn mãi không trả. Như vậy, người kia đã nhận được tài sản của bạn thông qua hợp đồng ủy quyền, và dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản (lấy lí do là bên nợ chưa trả 105 triệu đồng để chiếm đoạt số tiền đó). Do vậy, người này có thể bị truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản được quy định tại Khoản 2 Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, bạn có thể yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi trên.
Thời hạn giải quyết một vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng hình sự như sau:
- Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự: Theo quy định tại Điều 147 của BLTTHS 2015 thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 02 tháng.
- Sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì sẽ tiến hành điều tra. Thời hạn điều tra được quy định như sau:
+ Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
+ Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì có thể được gia hạn thời hạn điều tra, cụ thể: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.
- Thời hạn truy tố: Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng tuy tố bị can trước Tòa án.
Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Thời hạn xét xử:
+ Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.
Như vậy thời hạn để giải quyết một vụ án hình sự, kể từ thời điểm nhận tố giác, khởi tố vụ án đến mở phiên tòa xét xử là:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 4 tháng 25 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 9 tháng 15 ngày.
- Đối với tội nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 6 tháng 10 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 14 tháng.
- Đối với tội nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 8 tháng 5 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 19 tháng 15 ngày.
- Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 9 tháng 5 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 22 tháng.
Theo quy định tại Điều 175 và Điều 8 của BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì tội phạm thuộc quy định tại khoản 2 Điều 175 là tội phạm nghiêm trọng; do vậy thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 8 tháng 5 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 19 tháng 15 ngày.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;