Để xác định trách nhiệm của các bên liên quan, bạn cần xem xét kỹ các vấn đề như: Quy định của nhà trường về việc trông giữ xe của giáo viên như thế nào (theo quy chế, nội quy, quy định... do nhà trường ban hành);. Khi giáo viên gửi xe, bảo vệ có viết vé gửi xe không, có sự tiếp nhận về việc gửi giữ xe giữa giáo viên và bảo vệ không... Cụ thể:
I. Về trách nhiệm của bảo vệ:
Để xác định trách nhiệm của bảo vệ đối với việc mất xe và yêu cầu bảo vệ bồi thường thiệt hại, cần chứng minh được các yếu tố sau:
1. Chỉ ra được căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự mà bảo vệ phải thực hiện:
Nếu có căn cứ chứng minh rằng: Khi gửi xe, giữa bảo vệ và giáo viên đã thiết lập Hợp đồng gửi giữ tài sản; (theo quy định của Bộ luật Dân sự, đó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công). Theo đó, các bên có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự về Hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong đó, người giữ xe (bảo vệ) có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; và phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng (Điều 562 Bộ luật Dân sự).
Thực tế, vé gửi xe được coi là giấy tờ chứng minh giữa các bên có hợp đồng gửi giữ. Do vậy, bạn cần có vé xe để chứng minh rằng mình đã gửi xe trong trường. Trong trường hợp không có vé xe nhưng bạn chứng minh được giữa bảo vệ và giáo viên đã có thỏa thuận gửi - giữ xe thông qua hành vi cụ thể thì cũng được coi là căn cứ phát sinh nghĩa vụ của bảo vệ với tư cách là người giữ tài sản (có thể có người làm chứng).
2. Chứng minh được hậu quả thực tế đã xảy ra đồng thời chứng minh được lỗi của người bảo vệ: tức là chứng minh việc mất xe của bạn là có thực và do lỗi của người bảo vệ.
Nếu bạn không làm rõ được những vấn đề nêu trên thì không thể chứng minh được bảo vệ đã vi phạm nghĩa vụ mà họ phải thực hiện đối với bạn. Do không có vi phạm nghĩa vụ nên đương nhiên không phát sinh trách nhiệm dân sự và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Nếu bạn chứng minh được bảo vệ đã vi phạm nghĩa vụ với đầy đủ các yếu tố nêu ở trên thì theo quy định thì người bảo vệ có trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn.
II. Về trách nhiệm của nhà trường:
Trong trường hợp này, khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bạn cũng cần lưu ý vấn đề sau: Việc trông xe của bảo vệ chính là nhiệm vụ được nhà trường giao; hay việc trông xe là do bảo vệ tự làm, không liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ trong nhà trường.
- Trường hợp thứ nhất: Nếu trong nhiệm vụ của bảo vệ tại nhà trường có nhiệm vụ trông xe cho cán bộ nhân viên thì trách nhiệm bồi thường cho bạn thuộc về nhà trường vì: Điều 618 Bộ luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thứ hai: Nếu việc trông xe là do bảo vệ tự thực hiện, không phải là nhiệm vụ nhà trường giao thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn thuộc về bảo vệ (nếu chứng minh được như đã nêu ở trên).
Trường hợp bạn còn thắc mắc hoặc vấn đề nào chưa rõ thì có thể liên lạc trực tiếp qua điện thoại để được tư vấn cụ thể hơn.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;