Theo quy định tại Điều 125 Bộ Luật lao động thì khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, tuỳ theo từng mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau:
“1. Hình thức khiển trách: bằng miệng hoặc bằng văn bản được áp dụng đối với người lao động phạm lỗi lần đầu, nhưng ở mức độ nhẹ.
2. Hình thức kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá 06 tháng hoặc chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 06 tháng hoặc cách chức được áp dụng: đối với người lao động đó bị khiển trách bằng văn bản mà tái phạm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày bị khiển trách hoặc những hành vi vi phạm đó được quy định trong nội quy lao động.
3. Hình thức sa thải.”
Trong đó, sa thải là hình thức xử lý kỷ luật lao động cao nhất và chỉ được áp dụng khi thuộc một trong ba trường hợp quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động: Bên cạnh đó có những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Theo căn cứ tại Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
“1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”
Căn cứ quy định trên, bạn không được sử dụng hình thức phạt tiền đối với người lao động. Bạn chỉ được yêu cầu người lao động bồi thường vật chất khi có thiệt hại về vật chất xảy ra trên thực tế. Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động như sau:
"Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường."
Căn cứ vào quy định trên, bạn sẽ không được sử dụng hình thức phạt tiền khi xử lý kỉ luật lao động đối với người lao động nếu không có thiệt hại về vật chất xảy ra. Mức độ bồi thường phải được căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh. Nếu người lao động vi phạm nội quy lao động chưa đến mức kỷ luật và không có thiệt hại vật chất xảy ra, bạn có thể sử dụng hình thức khiển trách hoặc các hình thức được nêu ở trên đối với người lao động. Nếu còn thắc mắc gì, bạn hãy liên lạc trực tiếp với tôi để được tư vấn cụ thể hơn
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;