Cách tính tiền lương làm thêm giờ
Theo điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về vấn đề tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động
hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Theo quy định trên, tùy thuộc vào thời điểm người lao động làm thêm giờ mà mức tiền lương làm thêm giờ sẽ khác nhau.
Thứ nhất: Theo công thức mà bạn đưa ra, tiền làm thêm giờ mới chỉ bằng tiền làm trong giờ quy định, do đó chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền làm thêm giờ của người lao động phải bằng ít nhất 150% tiền trả cho một giờ lao động bình thường( làm thêm vào ngày bình thường, không vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ).
Thứ hai, công thức tính tiền lương làm thêm giờ= tổng tiền lương ứng với số ngày làm việc trong tháng/số ngày làm việc/8h×số giờ làm thêm×%(tuy từng trường hợp).
Theo thông tin bạn cung cấp “nghỉ không lương vài ngày trong tháng thì lương thực lãnh trong tháng này bị giảm xuống.”. Mặc dù lương thực lãnh bị giảm xuống nhưng số ngày làm việc thực tế cũng giảm xuống tương ứng. Do vậy, dù tính trên lương dựa trên số ngày làm thực tế hay dựa trên hợp đồng thì số tiền phải trả cho một giờ làm việc cũng không thay đổi.
Về việc đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85, Khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014: “người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc mà không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH tháng đó.”
Theo quy định trên, nếu trong một tháng mà người lao động không làm việc hoặc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì tháng đó không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012, tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Các khoản tính đóng bảo hiểm xã hội phải là các khoản có tính chất thường xuyên và ổn định. Do đó, tiền làm thêm giờ không phải là một khoản tính đóng bảo hiểm xã hội.
Thỏa thuận giữa công ty và người lao động về việc công ty vẫn đóng bảo hiểm xã hội và người lao động sẽ dùng một khoản khác(có thể là tiền làm thêm giờ hoặc khoản thu nhập khác của người lao động) để bù vào là một quan hệ khác không được luật lao động điều chỉnh. Do đó, thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;