Bạn đã làm cho cơ quan nhà nước từ năm 2012 đến nay (1/ 2017), như vậy bạn có thể là công chức hoặc viên chức hoặc người làm việc theo hợp đồng lao động. Trường hợp bạn đang thắc mắc trên tôi tôi sẽ đặt ra tình huống bạn là viên chức làm việc trong một đơn vị sự nghiệp nhà nước. Bạn đã nộp đơn xin nghỉ việc từ đầu tháng 11/2016 với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà quá xa, không thể tiếp tục công tác nữa. Cơ quan đã đồng ý cho nghỉ việc, nhưng chưa ra quyết định cho bạn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:
- Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
- Viên chức đơn phương chấm dứt Hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức, gồm các trường hợp:
Viên chức làm việc theo Hợp đồng làm việc (HĐLV) không xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày (Khoản 4, Điều 29 Luật Viên chức).
Viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp: Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng(Điểm d Khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức).
Trường hợp của bạn, việc bạn có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý giải quyết thôi việc theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP là trường hợp hai bên chấm dứt HĐLV theo thoả thuận.
Do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế nên người đứng đầu đơn vị chưa giải quyết cho bạn thôi việc là phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Việc đơn vị chưa giải quyết thôi việc theo nguyện vọng của bạn là trường hợp hai bên chưa thỏa thuận được việc chấm dứt HĐLV.
Bên cạnh trường hợp hai bên chấm dứt HĐLV theo thỏa thuận, hoặc hai bên chưa thỏa thuận được việc chấm dứt HĐLV (nêu trên), thì điểm b, khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP còn quy định viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 29 Luật Viên chức.
Theo đó, nếu bạn chưa được đơn vị đồng ý cho thôi việc theo nguyện vọng, thì bạn còn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLV sau khi bạn có thông báo bằng văn bản nội dung sẽ đơn phương chấm dứt HĐLV gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đó biết trước ít nhất 45 ngày.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày bạn thông báo bằng văn bản việc đơn phương chấm dứt HĐLV, đơn vị cần có phương án nhân sự thay thế vị trí việc làm của bạn để đảm bảo yêu cầu công tác sau khi bạn thôi việc.
Như phân tích nêu trên, nhận thấy quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về việc viên chức có nguyện vọng thôi việc nhưng do yêu cầu công tác chưa bố trí được người thay thế nên chưa được đơn vị sự nghiệp đồng ý cho thôi việc, không có mâu thuẫn với quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLV của viên chức quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức vì hai quy phạm pháp luật này điều chỉnh 2 vấn đề khác nhau đó là việc chấm dứt HĐLV theo thỏa thuận và việc viên chức đơn phương chấm dứt HĐLV.
Việc đưa ra ý kiến tư vấn trên sẽ cung cấp và chia sẻ trên đã giúp bạn có thông tin để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Cập nhật bởi thanhtungrcc ngày 01/03/2017 11:49:01 SA
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;